Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng nhưng nhiều ca nhẹ, điều trị tại nhà

TTTĐ - Trước băn khoăn của đại biểu HĐND TP về số ca mắc của Hà Nội đang tăng dần qua các đợt dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Hà Nội hiện có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi trên 95% nên dù số ca mắc tăng cao nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở.
HĐND TP Hà Nội chất vấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” Hà Nội sẽ triển khai gói 1.000 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở Hoạt động của HĐND thành phố đáp ứng yêu cầu thực tiễn Xem xét các cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng phát triển Thủ đô

Sáng 9/12, dưới dự điều hành của Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã chất vấn Giám đốc Sở Y tế về các vấn đề xung quanh công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ Tây Hồ) phát biểu chất vấn
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ Tây Hồ) phát biểu chất vấn

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ Tây Hồ) bày tỏ quan ngại khi số liệu dịch bệnh của Hà Nội cho thấy số ca mắc tăng dần qua các đợt dịch. Đại biểu đề nghị ngành Y tế dự báo tình hình dịch thời gian tới, đặc biệt với biến chủng mới Omicron? Giải pháp quản lý F1, điều trị F0, phân tầng điều trị F0 đảm bảo hiệu quả?

Đại biểu Nguyễn Thanh Nam (tổ Phú Xuyên) cho rằng, trong phòng, chống dịch, vai trò của hệ thống y tế cơ sở rất quan trọng nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị Sở Y tế cho biết có giải pháp gì để nâng cao chất lượng y tế cơ sở?

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ Long Biên) đề nghị ngành Y tế cho biết khả năng đáp ứng số giường bệnh cũng như giải pháp nâng cao năng lực xét nghiệm trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn rất phức tạp. Ngay trong buổi sáng 9/12, Hà Nội đã ghi nhận 172 ca dương tính. Dự kiến thời gian tới TP sẽ có 1.000 ca mắc trong ngày và có thể xuất hiện biến chủng mới với khả năng lây truyền cao hơn.

Nguyên nhân các ca mắc tăng cao theo bà Hà là do đã có mầm bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, việc mở rộng giao thương cùng khí hậu thời tiết đông xuân dễ làm dịch bệnh phát triển; Bên cạnh đó là tâm lý chủ quan của người dân.

Về giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã tăng cường tổ chức tập huấn cho lực lượng y tế, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh phía Nam để điều trị các bệnh nhân nặng. Hà Nội cũng đã chuẩn bị cơ số thuốc theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, theo các cấp độ, các triệu chứng chuyển tầng.

“Cần khẳng định hệ thống này vừa qua thể hiện là nòng cốt trong phòng, chống dịch nhất là còn phải quản lý theo dõi F0 tại nhà. Đây là lực lượng tuyến đầu, đã không ngừng nghỉ nỗ lực suốt 2 năm qua”, bà Hà nói và cũng thẳng thắn thừa nhận, các trạm y tế và chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất y tế cơ sở chưa cao, chưa đáp ứng tốt công tác phòng, chống dịch.

Về giải pháp, Sở Y tế sẽ có chính sách thu hút, đãi ngộ cho hệ thống nhân lực y tế cơ sở; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu sức khỏe người dân; Chủ động đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho hệ thống y tế nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở".

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp. Hà Nội có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi trên 95%, nên dù số ca mắc tăng cao nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã chủ động, cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Về biến chủng mới Omicron, bà Hà cho biết, nghiên cứu của WHO cho thấy các vắc xin có thể bảo vệ được người dân đã tiêm chủng trước biến chủng này. Dù chưa ghi nhận trong cộng đồng nhưng Hà Nội luôn chủ động, tăng cường cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế; Chỉ đạo CDC giải trình gen những trường hợp nghi ngờ; Kiến nghị dừng chuyến bay từ các quốc gia có biến chủng này.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thực hiện tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP đã có giải pháp cụ thể; Các quận, huyện đánh giá cấp độ dịch, có biện pháp hành chính tương ứng cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Ngành Y tế, tiếp tục kiên định điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể. Tuyến y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giải tải cho tuyến trên.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục thực hiện tiêm phòng vắc xin cho những người chưa đủ 2 mũi, có kế hoạch tiêm mũi 3 theo sự phân bổ vắc xin của Bộ Y tế; Ứng dụng CNTT trong công tác xét nghiệm, quản lý F0, F1...

Báo cáo về công tác phòng chống dịch do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng trình bày tại phiên chất vấn cho thấy, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận tổng số 14.925 ca, trong đó 5.443 ca ngoài cộng đồng.

Giai đoạn trước khi giãn cách xã hội: Từ ngày 27/4 - 23/7/2021 (88 ngày) ghi nhận 917 ca mắc (trung bình 10,42 ca/ngày), với 414 ca ngoài cộng đồng.

Giai đoạn giãn cách xã hội: Từ ngày 24/7 - 20/9/2021 (58 ngày), ghi nhận 3.276 ca mắc (trung bình 56,48 ca/ngày), với 898 ca ngoài cộng đồng.

Giai đoạn phòng, chống dịch trong tình hình mới: Tính từ ngày 21/9/2021 đến hết ngày 10/10/2021: Ghi nhận 114 ca mắc (trung bình 5,7 ca/ngày), trong đó 8 ca ngoài cộng đồng.

Giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP tính từ ngày 11/10/2021 đến 12h ngày 8/12/2021: Ghi nhận 10.618 ca mắc (trung bình 186 ca/ngày), trong đó 4.123 ngoài cộng đồng.

Về công tác tiêm chủng người từ 18 tuổi: Tiêm mũi 1 đạt 94,3 %; Tiêm mũi 2 đạt 85%; Người trên 50 tuổi: Tiêm mũi 1 đạt 88,1%; Tiêm mũi 2 đạt 83,6%; Trẻ em từ 15-17 tuổi: Tiêm mũi 1 đạt 94,9%; Trẻ em từ 12-14 tuổi: Tiêm mũi 1 đạt 75,9% và đang tiếp tục tiêm cho trẻ em theo tiến độ cấp vắc xin của Bộ Y tế.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động