Sinh viên xa nhà chắt bóp chi tiêu cho từng bữa ăn

Sống xa gia đình, ký túc xá (KTX) không cho nấu ăn, nên lựa chọn của nhiều sinh viên là cơm bụi. Với họ, một bữa cơm gia đình do mẹ nấu với đầy đủ dưỡng chất là ước mơ to lớn.
Hội diễn “Vang xa tiếng hát VALOMA”: Gắn kết sinh viên ngành logistics Sinh viên Thương mại kết nối người yêu thời trang với bảo vệ môi trường “Dạ khúc tháng tư” – món quà ý nghĩa chào tân sinh viên 400 vận động viên tranh tài sôi nổi tại giải bóng đá sinh viên lần thứ VII

"Thèm” bữa ăn đủ chất"

Ở KTX từ năm nhất, Đỗ Phương Anh (sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội) thỉnh thoảng ăn ngoài hàng, hầu hết là tự cắm cơm. Thức ăn của Phương Anh luôn “thủ” sẵn là lọ ruốc, lọ muối vừng, vài quả trứng và một thùng mì tôm.

“Trong KTX không cho phép nấu ăn nên mình phải tự chuẩn bị sẵn một số đồ khô ăn liền, vì điều kiện gia đình cũng không cho phép mình ăn ngoài hàng nhiều. 3 bạn cùng phòng mình thỉnh thoảng rủ mình góp tiền mua thức ăn nấu sẵn về ăn lẫn cơm, 50 nghìn chia cho 4 đứa ăn.

Mỗi bữa như vậy cũng có rau, thịt, nhưng nhiều người nên thức ăn không đáng kể. Nhiều lúc thấy các bạn chụp ảnh bữa cơm bụi sinh viên lên mạng thấy mà thèm”, Phương Anh cho biết.

Cơm nhà tuy đơn giản nhưng vẫn đủ dưỡng chất (Ảnh: Kiên Trung Lê)
Cơm nhà tuy đơn giản nhưng vẫn đủ dưỡng chất (Ảnh: Kiên Trung Lê)

Cũng ở KTX, Phùng Tiến Dũng (sinh viên Trường Đại học Thủy lợi) mỗi ngày phải ăn cơm “bụi”. Theo Dũng chia sẻ: “Đồ ăn ngoài hàng thì đa dạng dưỡng chất với nhiều món khác nhau nhưng lại không hợp khẩu vị với mình. Hơn nữa, mình thấy nó không đảm bảo vệ sinh như mình tự nấu ở nhà”.

Quê ở Ba Vì (Hà Nội) nên Phùng Tiến Dũng chỉ mong ngày nghỉ được về nhà ăn cơm ngon mẹ nấu. “Chả hiểu sao cứ về quê là mình tăng cân, lên Hà Nội học thì lại giảm cân”, Dũng cười nói.

Dặt dè chi tiêu

Được bố mẹ cho 3 triệu để chi tiêu trong 1 tháng, Phạm Ngọc Anh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn phải ăn uống tiết kiệm vì tiền thuê nhà mỗi tháng (bao gồm tiền dịch vụ) đã phải trả khoảng 2 triệu. Ngày ăn 3 bữa, 1 triệu đối với Ngọc Anh là không đủ, nên bạn phải chi tiêu dè đặt.

“Buổi sáng mình thường hay mua đồ ăn nhanh như xôi, bánh bao, bánh mỳ,...; còn trưa và tối mình mua đồ về tự nấu. Bây giờ cái gì cũng đắt nên mỗi bữa mình chỉ dám tiêu 20 nghìn. Hôm thì rau với đậu rán, hôm canh dưa chua với lạc rang, thịt đắt nên mình hạn chế mua”, Ngọc Anh kể.

Nhiều sinh viên không hợp khẩu vị với cơm bụi (Ảnh: Thảo Phương)
Nhiều sinh viên không hợp khẩu vị với cơm bụi (Ảnh: Thảo Phương)

Cũng giống như Ngọc Anh, sinh viên Nguyễn Thị Hồng Thắm (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) cũng phải chi tiêu tiết kiệm trong ăn uống. Không cần bố mẹ trợ cấp, Thắm tự trang trải cuộc sống bằng việc đi làm thêm bán thời gian.

Thắm cho biết đã hơn 3 tháng chưa về quê và thèm ăn một bữa cơm gia đình: “Chỉ khi nào về quê mình mới được ăn đủ chất, ăn thoải mái. Còn ở trọ mình và các bạn cùng phòng góp tiền vào mua đồ nấu ăn, cũng gọi là no bụng thôi. Mình cũng muốn ăn đủ chất mỗi ngày nhưng nếu thế mình phải chi tiêu nhiều hơn trong khi số tiền mình kiếm ra được không đáp ứng được”.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động