Saffron - Nhụy hoa Nghệ tây là thực phẩm chức năng hay chỉ là "gia vị"

Vài năm trở lại đây, “cơn bão” Nhụy hoa Nghệ tây (Saffron) của vùng Tây Á đã “tràn” vào nước ta. Nhiều người bắt đầu biết đến một loại gia vị đắt nhất thế giới thông qua các công ty nhập khẩu chính hãng, thậm chí độc quyền phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường khiến cho nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng “đánh tráo khái niệm”, làm giả sản phẩm Saffron để trục lợi…
Truyền thông châu Âu đưa đậm thông tin Việt Nam phê chuẩn EVFTA Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU dự kiến thực thi từ tháng 8/2020 Hy vọng từ những doanh nghiệp và doanh nhân có tâm, có tầm

Sản phẩm xuất xứ từ trời Tây

Đầu tiên phải kể đến loài hoa Nghệ tây. Đây là một loại cây lâu năm cho hoa vào mùa thu và không rõ nguồn gốc trong tự nhiên, có màu tử đinh hương nhạt đến sẫm hay màu tím hoa cà với các vân. Hoa có hương thơm ngọt ngào, tựa như mật ong. Khi ra hoa, chiều cao trung bình của cây thấp hơn 30 cm. Một vòi nhụy gồm ba đầu nhọn mọc ra từ mỗi hoa, cuối mỗi vòi nhụy là một đầu nhụy có màu đỏ thẫm rực rỡ, dài khoảng 25 – 30 mm.

tu troi tay nhuy hoa nghe tay den viet nam hoa xa xi
Hình minh họa Nhụy hoa Nghệ tây và hoa Nghệ tây

Saffron (Nhụy hoa Nghệ tây - pv) là một loại gia vị được sản xuất từ nhuỵ hoa này. Saffron là một trong những loại gia vị đắt tiền nhất thế giới tính theo khối lượng, có nguồn gốc ở Hy Lạp hoặc Tây Nam Á.

Theo đánh giá chung, chất lượng Saffron tốt nhất là ở Iran (một đất nước ở Tây Á, người dân chủ yếu theo đạo Hồi).

Hầu như tất cả hoa Nghệ tây đều được trồng trong một vành đai bao quanh bởi Địa Trung Hải ở phía tây và các khu vực gồ ghề (bao gồm Iran và Kashmir ở phía đông).

Do đó, Iran nắm giữ khoảng 90 – 93 % sản lượng toàn cầu và xuất khẩu khá nhiều.

Theo các tài liệu về sản phẩm Saffron và trên trang Wikipedia tiếng Việt, để thu được 1 pound (450g) Saffron khô thì cần hái khoảng 50.000 đến 75.000 bông hoa. Để được 1 kg Saffron thì cần khoảng 110.000 – 170.000 bông hoa. Và phải mất 40 giờ làm việc để hái 150.000 bông hoa. Đầu nhụy khô rất nhanh sau khi được tách ra và thường được trữ trong thùng kín khí. Có lẽ vì những điều này mà Saffron là một trong những loại gia vị đắt nhất trên thế giới.

tu troi tay nhuy hoa nghe tay den viet nam hoa xa xi
Hình minh họa cấu tạo từng phần Nhụy hoa Nghệ tây

Cũng theo thông tin này, để nhận biết Saffron tươi thì các sợi nhụy phải có màu đỏ thẫm rực rỡ, độ ẩm thấp, có độ đàn hồi và không có sợi bị gãy.

Hương thơm của Saffron thường được mô tả bởi những người sành ăn Saffron là gợi nên mùi mật ong thoang thoảng với đặc trưng là mùi kim loại cùng với mùi cỏ hay cỏ khô, vị của nó cũng hơi ngọt. Saffron tạo cho thực phẩm một màu vàng cam rực rỡ, được sử dụng rộng rãi trong các nền ẩm thực như Ấn Độ, Ba Tư, châu Âu, Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Saffon xa xỉ - người tiêu dùng dễ bị “ăn quả lừa”

Không biết người tiêu dùng Việt Nam biết đến Saffron từ bao giờ, chỉ biết rằng, khoảng 4 – 5 năm trở lại đây, sản phẩm này đã được “giới có tiền” trong nước tin tưởng bởi nguồn gốc và chất lượng “như quảng cáo”. Tuy nhiên, với giá thành cao (khoảng 450 triệu/kg, nên sản phẩm thường được chia nhỏ khối lượng để bán từ 1g trở lên. Do đó có thể nói đây là mặt hàng xa xỉ), sản phẩm lạ (từ nguồn gốc, xuất xứ đến cách dùng tính bằng sợi) và nhu cầu của người dân Việt ngày càng tăng thì thị trường Saffron trong nước trăm hoa đua nở, thật giả nhiều khi không phân định rạch ròi dễ khiến người tiêu dùng bị “ăn quả lừa”.

tu troi tay nhuy hoa nghe tay den viet nam hoa xa xi
Một sản phẩm Saffron bán ở Việt Nam được đóng gói kỹ lưỡng

Thực tế khi tìm hiểu về sản phẩm Saffron qua nguồn tin và nhiều tài liệu, phóng viên được biết hành vi làm giả sản phẩm này đã có từ lâu và ngày nay vẫn tiếp diễn. Sự giả mạo lần đầu tiên được ghi nhận vào thời Trung cổ ở châu Âu. Các phương pháp thường thấy bao gồm trộn lẫn với các tạp chất như củ cải đường, sợi xơ quả lựu, sợi lụa nhuộm đỏ, hoặc phần nhị màu vàng không mùi vị của cây Nghệ tây. Những phương pháp khác chẳng hạn như nhúng các sợi Saffron vào các chất dính như mật ong hoặc dầu thực vật. Tuy nhiên, Saffron dạng bột lại dễ bị giả mạo hơn, với các chất độn là bột nghệ, bột ớt hoặc các loại bột khác. Sự giả mạo cũng có thể là việc bán các loại Saffron không nhãn mác, sau khi trộn chung với các loại Saffron khác nhau.

Ở Việt Nam, thời gian gần đây, báo chí cũng nhận được phản ánh của người dân về chất lượng của sản phẩm không như “lời đồn”. Bên cạnh nỗ lực của một số doanh nghiệp trong nước để đưa sản phẩm chính hãng, tốt nhất đến tay người dùng thì cũng có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng danh tiếng, trà trộn sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng nhằm trục lợi.

Những bài viết sau, Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ làm rõ về các vấn đề liên quan tới Saffron.

Doãn Hưng - Hoài An
Phiên bản di động