Rào cản gia nhập thị trường bán lẻ qua siêu thị tại Việt Nam

Một số rào cản gia nhập thị trường bán lẻ qua siêu thị tại Việt Nam gồm rào cản tài chính, kỹ thuật, công nghệ, chính sách, pháp lý...
Siêu thị VinMart “móc túi” khách hàng từ gói giấy ăn đến khay Cherry đắt tiền

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm gần đây đang có những bước thay đổi dần từ kênh bán hàng truyền thống (thường thuộc sở hữu của các cá nhân hay hộ gia đình, nó tồn tại dưới các hình thức như chợ, cửa hàng và cửa tiệm nhỏ tại các mặt phố, khu dân cư) đến bán hàng hiện đại (siêu thị, chuỗi siêu thị, cửa hàng nhượng quyền, trung tâm thương mại và kể cả bán hàng không qua cửa hàng như có thể bán hàng tận nhà, bán hàng qua bưu điện, bán hàng qua mạng).

Việc mua sắm theo hình thức hiện đại (đặc biệt tại siêu thị) không chỉ là thói quen dành riêng cho những người có thu nhập khá mà còn dành cho cả những người có thu nhập trung bình. Các mô hình bán lẻ hiện đại này đã phát huy tốt vai trò tăng cường thương mại và dịch vụ, giúp đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng thuận tiện hơn.

2216 1425 88240603 213541286460689 5305952208922083328 n
Để kinh doanh siêu thị, chi phí đầu tư ban đầu là khá lớn.

Tuy nhiên, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hiện tại tại Việt Nam cũng đang có những rào cản gia nhập thị trường bán lẻ qua siêu thị.

Trong các nghiên cứu về cạnh tranh cũng như các vụ việc cạnh tranh đã được điều tra thực tế, rào cản thị trường là một thước đo quan trọng để đánh giá mức độ cạnh tranh trên thị trường hiện tại cũng như tương lai. Rào cản thị trường càng lớn thì thị trường càng kém tính cạnh tranh và càng dễ nảy sinh các hành vi phản cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hữu. Một số rào cản gia nhập thị trường bán lẻ qua siêu thị tại Việt Nam gồm rào cản tài chính, rào cản kỹ thuật công nghệ, rào cản chính sách, pháp lý, …

Trên thực tế, để kinh doanh siêu thị, chi phí đầu tư ban đầu là khá lớn cho việc triển khai mặt bằng, đầu tư các tài sản cố định, xây dựng kho bãi và ứng trước một phần chi phí giá vốn cho các nhà cung ứng hàng hóa. Do đó, nếu doanh nghiệp không có nguồn vốn dài hạn đủ lớn thì không thể kinh doanh trong lĩnh vực siêu thị.

Kinh doanh siêu thị là lĩnh vực không đòi hỏi cao về khoa học công nghệ nhưng lại cần trình độ quản lý tốt. Bằng chứng thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý cao như Vingroup, AEON, Metro, BigC khi gia nhập thị trường Việt Nam đều đạt được thành công lớn mặc dù là các doanh nghiệp mới. Sự thành công của những doanh nghiệp này chủ yếu do chiến lược kinh doanh đúng đắn, thương hiệu đã được khẳng định đẳng cấp cùng phương pháp quản lý hiệu quả.

Việt Nam là một thị trường siêu thị hết sức tiềm năng với số lượng dân số lớn và nhu cầu mua sắm cao. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, Chính phủ Việt Nam cũng xây dựng không ít những văn bản quy phạm pháp luật khắt khe đối với các nhà kinh doanh siêu thị trên thị trường. Những chính sách pháp luật này ra đời nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các siêu thị, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trước bối cảnh hội nhập kinh tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã và đang đón nhận nhiều luồng đầu tư mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ trên thế giới có nhiều lợi thế về vốn, kinh nghiệm quản lý... khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trong nước tăng mạnh.

Chính vì vậy, việc giám sát chặt chẽ hành vi của các doanh nghiệp tham gia trên thị trường bán lẻ là hết sức cần thiết để kịp thời có biện pháp can thiệp, nhất là khi cấu trúc thị trường đang phân lớp rõ rệt và có sự hiện diện của các tổ chức hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Thành Nhân
Phiên bản di động