Quy hoạch sông Hồng không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn tạo nguồn lực xây dựng Thủ đô

Nói thêm về một số đề xuất của thành phố Hà Nội liên quan đến sử dụng diện tích bãi sông Hồng, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là nền tảng rất quan trọng không chỉ phục vụ cho nông nghiệp mà còn tạo điều kiện cho thành phố có thể sớm phủ kín được các quy hoạch phân khu, tạo nguồn lực rất lớn để góp phần xây dựng Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại…
Hà Nội tiếp tục hạ cốt đê sông Hồng đoạn từ An Dương đến cầu Nhật Tân "Con đường gốm sứ" ven sông Hồng xuống cấp trầm trọng sau 9 năm Chi 150 tỷ bơm nước sông Hồng "hồi sinh" Tô Lịch, chưa nước nào làm

Hà Nội cần trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chúc mừng Hà Nội với những thành tích rất ấn tượng đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020, nhất là trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế, quyết tâm phấn đấu đạt mức tăng trưởng gấp 1,3 lần cả nước trong năm nay.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao việc thành phố Hà Nội đã xác định rất đúng tiềm năng, lợi thế, vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế Thủ đô để tập trung chỉ đạo.

Qua báo cáo, đến nay cả 3 mục tiêu quan trọng nhất mà thành phố đặt ra trong Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, cải thiện thu nhập của người dân nông thôn đều đã vượt. Đó là tiền đề, nền móng quan trọng thúc đẩy sự phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ tin tưởng Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng về nông nghiệp theo như 2 kịch bản mà thành phố đã xây dựng, trong đó kịch bản 1 là tăng tới 4,3%. Đồng thời, ông Cường cũng lưu ý, Hà Nội đến việc phục hồi đàn lợn để đáp ứng cung cầu, giảm giá thịt lợn vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc làm việc

Giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội quan tâm đến việc dành không gian cho khu vực nông thôn phát triển bền vững, nhất là ở các vùng đô thị hóa. Khu vực nông thôn ở Hà Nội mang trong mình trầm tích văn hóa nghìn năm, với hàng nghìn làng nghề, lễ hội truyền thống, di tích đầy ắp giá trị đặc trưng của truyền thống Việt Nam… do đó cần phải có cách tiếp cận phù hợp.

Riêng về sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với lợi thế về khoa học công nghệ rất mạnh, Hà Nội cần tập trung phát triển và trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm chế biến sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao…

Liên quan đến một số đề xuất của Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ phối hợp cùng TP tập trung thành lập tổ công tác để sớm tháo gỡ. Đặc biệt, đối với quy hoạch phòng chống lũ của hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sau khi có Luật Quy hoạch, việc thực hiện Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai. Trên cơ sở nguyên tắc của quy hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ cùng TP tập trung rà soát để tiến tới chỉnh trang lại vùng bãi sông làm sao có thể quản trị tốt về mặt tổng thể, nhất là trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một phức tạp hiện nay nhưng vẫn tận dụng được nguồn tài nguyên và bảo đảm an sinh xã hội.

“Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ cử lực lượng khoa học chuyên môn cao nhất từ các viện trực thuộc và tập trung cùng với TP tổng rà soát những nét cơ bản nhất để tổ chức triển khai Quyết định số 257 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, những vấn đề bức xúc sẽ được ưu tiên đánh giá trước để xử lý riêng trên tinh thần là phải nhanh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tập trung các nhóm giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội ký kết biên bản hợp tác

Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội ký kết biên bản hợp tác

Đánh giá buổi làm việc đã đạt được những kết quả thực chất, rõ ràng, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, TP sẽ tập trung các nhóm giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua kênh chế biến, lưu thông và phân phối; Tổ chức liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp với các địa phương trong và ngoài vùng sông Hồng; Tổ chức hiệu quả tiêu thụ nông sản; Tổ chức nâng cao sản xuất nông nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất.

Về công tác đê điều, thủy lợi và phòng chống lũ, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trong việc xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch phòng chống lũ ở tuyến sông trên địa bàn thành phố.

Nói thêm về một số đề xuất của thành phố Hà Nội liên quan đến sử dụng diện tích bãi sông Hồng như rà soát dân cư ở bãi sông, xây dựng các tuyến đường giao thông, tạo các công trình trường học ở bãi sông… Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là nền tảng rất quan trọng không chỉ phục vụ cho nông nghiệp mà còn tạo điều kiện cho thành phố có thể sớm phủ kín được các quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch phân khu sông Hồng.

“Khi phủ kín được quy hoạch như vậy sẽ tạo nguồn lực rất lớn để góp phần xây dựng Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đặc biệt là đảm bảo được sinh kế cho khoảng 900.000 dân ở khu vực này”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói.

Đối với vấn đề thúc đẩy sản xuất trong điều kiện hậu Covid-19, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ rất vui mừng khi Bộ NN&PTNT đã chấp nhận với đề xuất của Hà Nội trong việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Thủ đô nhập khẩu lợn giống, thương phẩm. Hà Nội mong muốn hợp tác với các cơ quan chức năng của Bộ trong vấn đề này…

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động