Quy hoạch nước sạch, đảm bảo linh hoạt trong cấp nước cho người dân

Trong nhiệm kỳ này, thành phố Hà Nội quyết định phương án chỉ có một tiêu chí nước sạch cho toàn thành phố, không phân biệt nước sạch đô thị, nước hợp vệ sinh. Thành phố cũng quy về một đầu mối quản lý để có tổng hợp, theo dõi, đề xuất; xem xét quy hoạch nước sạch để bảo đảm an ninh, linh hoạt cấp nước cho người dân khi có sự cố…
Nhà máy nước mặt sông Đuống không phá vỡ quy hoạch nào về nước sạch! Hà Nội sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập tính giá nước sạch

Sáng 4/12, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đã báo cáo tổng hợp thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Các ý kiến xây dựng thẳng thắn

Theo đó, đã có 42 đại biểu với 55 lượt ý kiến phát biểu với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, xây dựng, các đại biểu cơ bản ghi nhận, nhất trí đánh giá cao các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố cũng như nội dung thẩm tra của các Ban HĐND thành phố.

Về kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm giải pháp năm 2020, hầu hết các đại biểu nhất trí và đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2019 đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác. Tuy nhiên, đại biểu HĐND thành phố đề nghị nhấn mạnh thêm một số kết quả nhiệm vụ mà thành phố đã quan tâm sát sao, quyết liệt chỉ đạo thực hiện đổi mới đạt hiệu quả cao trong công tác giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân và cử tri, đạt hiệu quả tích cực và thiết thực trong thời gian ngắn.

quy hoach nuoc sach dam bao linh hoat trong cap nuoc cho nguoi dan
Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận

Đại biểu cũng đề nghị UBND thành phố bổ sung nội dung báo cáo và đánh giá kết quả thực hiện kinh tế tập thể trên địa bàn, đánh giá một số nguyên nhân chỉ tiêu thành phần còn đạt thấp, khó hoàn thành; nguyên nhân vốn xây dựng cơ bản chậm, nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản tiến độ chậm …

Đối với các nhiệm vụ và giải pháp trong các vấn đề kinh tế ngân sách thì có 25 ý kiến tập trung về những ý kiến về cơ chế, chính sách, biện pháp xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ các huyện khó khăn và cơ chế chính sách đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên các địa bàn huyện, tập trung đẩy nhanh tiến độ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Với vấn đề văn hóa, xã hội có 16 ý kiến đề nghị tiếp tục quan tâm xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch văn minh, tiếp tục quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa … Trong công tác quy hoạch đất đai, quản lý đô thị, an ninh trật tự, môi trường, có 19 ý kiến xung quanh việc quy hoạch khu sông Hồng, sông Đuống, thực hiện cải tạo chung cư cũ, quản lý nhà chung cư tái định cư, vấn đề ùn tắc giao thông, tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè, vấn đề vi phạm môi trường; vấn đề quản lý nước sạch...

Về các dự thảo nghị quyết thường kỳ và chuyên đề, các ý kiến phát biểu đều tán thành với tờ trình dự thảo nghị quyết, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND thành phố về sự cần thiết, thẩm quyền ban hành nội dung các nghị quyết trình tại kỳ họp.

Ngoài ra, có 6 ý kiến đề nghị quan tâm xem xét về nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết chuyên đề thuộc nhóm ngân sách đầu tư công, thu hồi đất, các dự án đầu tư công trung hạn hiện đang chậm tiến độ.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn

Báo cáo làm rõ một số nội dung được đại biểu HĐND TP nêu trong thảo luận, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản đã làm rõ 4 nhóm nguyên nhân khách quan và 4 nguyên nhân chủ quan dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản chậm, trong đó có vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB); chủ đầu tư thiếu quyết liệt; năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, quận, huyện trong quá trình triển khai dự án đôi lúc, có nơi chưa chặt chẽ, dẫn đến tiến độ dự án đầu tư công chậm.

“Đặc biệt, theo quy định của Luật Đầu tư công, có nhiều thủ tục, quy trình phức tạp hơn thời gian trước đây, từ chủ trương đầu tư đến quyết định đầu tư, điều hòa vốn đều phải tuân theo quy trình chặt chẽ hơn nên ảnh hưởng đến tiến độ”, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết thêm.

quy hoach nuoc sach dam bao linh hoat trong cap nuoc cho nguoi dan
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng trao đổi làm rõ ý kiến đại biểu nêu trong phiên thảo luận

Để đẩy nhanh tiến độ, thời gian tới, thành phố đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường định kỳ giao ban hằng tháng, hằng quý với các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn để kịp thời tháo gỡ thủ tục khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, GPMB, đặc biệt thực hiện giải ngân, thanh quyết toán kịp thời.

Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư đề ra tiến độ cụ thể, chi tiết để kiểm đếm theo tiến độ từng dự án. Ngoài ra, công việc rất quan trọng, quyết định khâu giải ngân vốn đầu tư là GPMB. Thành phố cũng đã có nhiều cải cách hành chính liên quan đến công tác này, đặc biệt tăng cường phân cấp cho chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong chỉ đạo điều hành. Trong định giá đất bồi thường, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về chính sách.

Liên quan đến việc cấp nước sạch, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết TP xác định đây là một trong nhu cầu cấp thiết và quan trọng của đời sống nhân dân.

Trong nhiệm kỳ này, thành phố quyết định phương án chỉ có một tiêu chí nước sạch cho toàn thành phố, không phân biệt nước sạch đô thị, nước hợp vệ sinh. Thành phố cũng quy về một đầu mối quản lý để có tổng hợp, theo dõi, đề xuất; xem xét quy hoạch nước sạch để bảo đảm an ninh, linh hoạt cấp nước cho người dân khi có sự cố; đồng thời tăng cường đầu tư, đầu tư sớm các mô hình để cung cấp nước sạch, mạnh dạn xử lý các đầu tư trước đây không có hiệu quả.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển đồng bộ các nhà máy nước mặt, trong hệ thống có nhà máy nước mặt sông Đà, nước mặt sông Hồng, nước mặt sông Đuống. Hiện nay, nhà máy nước mặt sông Hồng đang chậm tiến độ; nhà máy sông Đuống đã cung cấp nước sạch giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2; sông Đà hiện đang khai thác 200-250 m3/ngày đêm. Còn nguồn nước sạch Hà Nội và Hà Đông đang được khai thác bảo đảm chất lượng.

Hiện nay thành phố đang tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư nguồn nước cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ như nhà máy nước mặt sông Hồng; khắc phục tồn tại ở những nhà máy vừa qua có sự cố như nhà máy nước sông Đà; bên cạnh đó tiếp tục tháo gỡ cơ chế cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cấp nước sạch cho vùng nông thôn....

Tuổi trẻ Thủ đô
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động