Quy hoạch điện VIII: Đến năm 2045, điện gió và điện mặt trời chiếm hơn 50% hệ thống

Quy hoạch điện VIII phải hướng mục tiêu đến 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%.
Việt Nam có tổ hợp nhà máy điện gió và điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á Bộ Công thương: Cần 128,3 tỷ USD để phát triển điện lực cho 10 năm tới

Ngày 15/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đánh giá, do tính chất đặc thù, quá trình lập, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII đã trải qua nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, đảm bảo tính toán một cách thận trọng, cân nhắc mọi yếu tố.

Tháng 3/2021, Bộ Công thương đã báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, bản dự thảo quy hoạch vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện.

Trong đó, quy mô phát triển nguồn điện theo danh mục nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 là rất lớn (khoảng 181.000MW), gấp khoảng 1,94 lần nhu cầu công suất cực đại (Pmax khoảng 93.300MW); Đặc biệt là không có sự thống nhất giữa quy mô danh mục nguồn điện dự kiến phát triển và dự kiến cơ cấu công suất nguồn theo phương án cao trong tờ trình (167.000MW).

Quy hoạch điện VIII: Đến năm 2045, điện gió và điện mặt trời chiếm hơn 50% hệ thống
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hàng chục cuộc họp để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII (Ảnh VGP)

Bên cạnh đó,cơ cấu nguồn điện còn chưa hợp lý,nguồn nhiệt điện than dự kiến phát triển quá lớn (năm 2030 khoảng 47.000MW, năm 2045 khoảng 54.000MW), nguồn điện khí LNG dự kiến phát triển cũng rất lớn (năm 2030 khoảng 41.000MW và đến năm 2045 khoảng 83.000MW).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện dự thảo, gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng. Ngày 8/10/2021, Bộ Công thương đã có Tờ trình 6277/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện VIII.

Với phiên bản này, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Công thương rà soát, trên cơ sở cập nhật những cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị COP26. Đây là vấn đề mới đặt ra mà Quy hoạch điện VIII phải đóng góp quan trọng vào thực hiện cam kết này cũng như yêu cầu đặt ra về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Sau đó, Quy hoạch điện VIII tiếp tục được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật và dự thảo hiện nay đã có nhiều thay đổi.

Quy hoạch điện VIII: Đến năm 2045, điện gió và điện mặt trời chiếm hơn 50% hệ thống
Đến 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường

Trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có gần 30 cuộc họp, làm việc với Bộ Công thương, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học để lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo đúng các nghị quyết, kết luận có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Mới đây, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Công thương báo cáo về các nội dung hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đã có kết luận tại Thông báo số 92/TB-VPCP ngày 31/3/2022 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Công thương cũng đã có văn bản số 69/BC-BCT ngày 8/4/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo kết luận của Thường trực Chính phủ.

Tại cuộc họp ngày 15/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá, dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này đã khắc phục được một số tồn tại, hạn chế và đến nay cơ bản các phương án tính toán đã tối ưu.

Theo đó, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000MW, giảm khoảng 35.000MW so với dự thảo trình ngày 26/3/2021. Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000MW.

Cùng với đó, dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất cũng đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đến 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.

Nêu rõ giữ điện mặt trời ở tỉ lệ phù hợp so với các nguồn điện khác, Phó Thủ tướng cho biết, nhu cầu điện của nền kinh tế cao nhất không phải vào lúc có mặt trời mà vào khoảng 6h-10h tối, nên nếu không có các nguồn điện khác như thủy điện, nhiệt điện thì lúc đó không thể đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Trong khi ban ngày, phát điện mặt trời thì các nguồn điện khác phải giảm công suất. Nếu tích điện mặt trời để phát vào ban đêm thì giá thành tăng gấp 3-4 lần.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết là quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương triển khai rà soát quy hoạch một cách toàn diện, công tâm, khoa học, khách quan.

Theo Phó Thủ tướng, mỗi địa phương phải xác định phát triển cho địa phương phải đồng thời phát triển cho đất nước, vì lợi ích Nhân dân. Nếu phát triển điện cho địa phương nhưng phải chuyển tải điện xa thì giá thành sẽ cao, khi đó, người dân lại phải gánh mức giá cao này.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến dựa trên nguyên tắc chung, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII để thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2022.

Báo: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động