Quảng Ninh phát huy hiệu quả Trung tâm Học tập cộng đồng

Ra đời từ những năm 1997-1998, đến nay mạng lưới Trung tâm Học tập cộng đồng (HTCĐ) trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng phát triển khá mạnh cả về chất lượng, số lượng. Hoạt động của Trung tâm HTCĐ đã tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Quảng Ninh sắp có thêm khu nghỉ dưỡng 300ha ở Vân Đồn

Hiện toàn tỉnh có 186 Trung tâm HTCĐ tương ứng với 186 xã, phường, thị trấn ở 14 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 45 trung tâm có trụ sở riêng, 143 trung tâm có tủ sách riêng với tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên gần 1.700 người. Là công cụ thiết yếu xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, các Trung tâm HTCĐ đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất và phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Hàng năm, các Trung tâm HTCĐ tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại nhằm đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm học 2018-2019, tỉnh có 103/186 Trung tâm HTCĐ xếp loại tốt, chiếm 55,38%; 76/186 Trung tâm HTCĐ xếp loại khá, chiếm 40,86%; 7/186 Trung tâm HTCĐ xếp loại trung bình, chiếm 3,76%; không có loại yếu. Các Trung tâm HTCĐ đã tham mưu với UBND xã, phường triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020; phối hợp với các cấp hội khuyến học triển khai Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020. Đồng thời, tổ chức xây dựng, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Khu dân cư học tập” tại địa phương.

quang ninh phat huy hieu qua trung tam hoc tap cong dong
Quảng Ninh phát huy hiệu quả Trung tâm Học tập cộng đồng. Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, đa số các Trung tâm HTCĐ đã sử dụng có hiệu quả kinh phí được cấp; chủ động phối hợp với các phòng ban chuyên môn, ngành chức năng, các trường cao đẳng, trung cấp để mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho nhân dân theo chương trình dự án, đề án phát triển sản xuất, chương trình nông thôn mới..., đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của người dân, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời ở cơ sở. Nhiều địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm HTCĐ hoạt động thực sự đạt hiệu quả tích cực. Tiêu biểu là Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hoành Bồ... Số lượng lớp học mở trên địa bàn nhiều với nội dung đa dạng, phong phú; số người học cũng vì thế năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng năm học vừa qua, toàn tỉnh có gần 631.000 lượt người được học các chương trình giáo dục, cập nhật kiến thức, kỹ năng và chuyển giao khoa học công nghệ tại các Trung tâm HTCĐ; trên 575.000 lượt người được học các lớp chuyên đề tại các nhà văn hóa thôn, khu.

Cùng với sự chủ động của các địa phương, Sở GD&ĐT đã và đang tăng cường phối hợp sâu rộng trong hoạt động giữa Trung tâm HTCĐ với Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên; nhân rộng mô hình Trung tâm HTCĐ kết hợp với nhà văn hóa xã, điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện xã; củng cố hoạt động của Trung tâm HTCĐ theo hướng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng. Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể biên soạn tài liệu, tổ chức chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ nhằm tạo điều kiện cho người dân học tập theo nhu cầu. Mở rộng địa bàn hoạt động của Trung tâm HTCĐ theo hướng đưa các lớp học, các hoạt động về đến tận các thôn, bản để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tham gia học tập.

Để có được những kết quả tích cực này, các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoành Bồ Nguyễn Thị Định, huyện đã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; phân công lãnh đạo Phòng GD&ĐT phụ trách và bố trí 1 cán bộ chuyên trách theo dõi lĩnh vực giáo dục thường xuyên chỉ đạo các trường, các Trung tâm HTCĐ chú trọng triển khai công tác xây dựng xã hội học tập, công tác xóa mù chữ của xã, thị trấn hoạt động có hiệu quả. Phòng tham mưu UBND huyện kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ báo cáo viên của các Trung tâm HTCĐ khi có sự thay đổi nhân sự đảm bảo quy định; chỉ đạo các Trung tâm HTCĐ xây dựng kế hoạch hoạt động của trung tâm, tích cực vận động cán bộ nghỉ hưu, người có kiến thức, kinh nghiệm tham gia vào các hoạt động của Trung tâm HTCĐ.

Báo Quảng Ninh
Phiên bản di động