Quản lý 4 cao tốc lớn nhất cả nước, kế hoạch lãi của VEC chỉ 900 triệu đồng

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của VEC chỉ 900 triệu đồng năm 2019.
Kiểm toán ''soi'' nhiều vấn đề trong báo cáo tài chính hợp nhất của VEC Ai đang là chủ nợ của "trùm" đường cao tốc Tổng Công ty VEC? Tổng Công ty VEC nợ 87.000 tỷ đồng, cao gấp 9 lần vốn chủ sở hữu

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã ký Quyết định số 128/QĐ-UBQLV về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Theo đó, năm 2019, VEC tiếp tục việc tái cơ cấu tài chính 5 dự án do Tổng công ty làm chủ đầu tư theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2019, VEC cũng phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng phương án sử dụng dịch vụ thu phí không dừng theo đúng Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Cũng trong năm 2019, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt tổng doanh thu của VEC là 3.837 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 900 triệu đồng; các khoản nộp ngân sách Nhà nước 364 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 0,01%; không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1.

Tại quyết định, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu VEC triển khai thực hiện các chỉ tiêu được giao và chấp hành các nội quy của pháp luật để làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện đánh giá, xếp loại doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

quan ly 4 cao toc lon nhat ca nuoc ke hoach lai cua vec chi 900 trieu dong
Quản lý 4 tuyến cao tốc lớn nhất cả nước, chỉ tiêu lãi ròng 2019 của VEC chỉ 900 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, VEC được Nhà nước giao làm chủ đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc lớn (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), phần lớn doanh thu của VEC là từ các dự án này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018 mới công bố, VEC ghi nhận doanh thu thuần 3.225 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 460 tỷ đồng so với năm 2017. Năm 2018 do giá vốn bán hàng chỉ 635 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp tăng mạnh, đạt 2.589 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, trong năm vừa qua, các khoản chi phí của VEC đều tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính lên tới 2.888 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay là 735 tỷ đồng), cao gấp 3,5 lần so với năm 2017; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 61 tỷ đồng lên 84 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm sút trầm trọng từ 938 tỷ đồng xuống còn 3,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, VEC cũng ghi nhận khoản lãi tại các công ty liên doanh liên kết 1,1 tỷ đồng. Kết quả, năm 2018, VEC ghi nhận mức lãi ròng chỉ 2,4 tỷ đồng (trong khi năm 2017 tới 936 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận của Công ty mẹ vỏn vẹn chỉ 582 triệu đồng, trong khi năm 2017 đạt xấp xỉ 935 tỷ đồng.

Chiếu theo báo cáo tài chính, tính đến thời điểm 31/12/2018, VEC đang có khối tài sản 96.556 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 89.140 tỷ đồng năm 2017. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 19.676 tỷ đồng (hàng tồn kho chiếm tới 26,6 tỷ đồng) và tài sản dài hạn là 76.880 tỷ đồng (chủ yếu là tài sản cố định).

Đáng chú ý, cũng tính đến hết năm 2018, nợ phải trả của VEC là 87.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 19.672 tỷ đồng và nợ dài hạn 67.327 tỷ đồng (chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính). Trong khi đó, cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của VEC chỉ 9.556 tỷ đồng.

Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 9 lần, tương đương chiếm 90% cơ cấu nguồn vốn. Với việc nợ vay cao hơn rất nhiều lần so với vốn chủ sở hữu của công ty đã đặt ra dấu hỏi về nguy cơ an toàn tài chính của VEC.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tính đến thời điểm hết năm 2018, chủ nợ lớn nhất của VEC là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) với tổng dư nợ cuối kỳ hơn 31.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VEC còn nợ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 28.960 tỷ đồng và Ngân hàng Thế giới với hơn 5.400 tỷ đồng.

Trong phần báo cáo chi tiết nêu rõ, hầu hết các hợp đồng vay được thực hiện để tài trợ vốn cho các dự án đường cao tốc như Nội Bài – Lào Cai, Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi... với thời hạn thanh toán dao động từ 16 đến 40 năm.

Đáng nói, do lượng vay ngoại tệ rất lớn bằng Yên Nhật và USD để đầu tư các dự án nên biến động tỷ giá tác động rất mạnh đến kết quả kinh doanh của VEC. Năm 2018, lỗ chênh lệch tỷ giá của VEC tăng vọt lên gần 2.200 tỷ đồng so với mức 368 tỷ đồng của năm trước, đây là một trong những nguyên nhấn khiến ông trùm đường cao tốc giảm lợi nhuận không phanh.

Ngoài ra, về nợ vay ngắn hạn, VEC đang có khối nợ 12,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Đông Sài Gòn. Đồng thời, doanh nghiệp này còn khoản nợ 8.000 tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu phải trả Bộ Tài chính.

Cũng trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, đến ngày 31/12/2018, VEC ghi nhận gần 900 triệu đồng khoản nợ xấu, trong khi giá trị có thể thu hồi chỉ là 164 triệu đồng. Các khoản nợ xấu tập trung tại các Công ty CP Huy Phương, Công ty TNHH Xây dựng Nhà Đẹp, Công ty CP Beton6...

Hậu Lộc
Phiên bản di động