Quận Cầu Giấy: Tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy phải đi trước một bước

Đó là một trong những yêu cầu được Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh tại buổi làm việc với quận Cầu Giấy về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn diễn ra sáng ngày 29/9.
Lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đưa quận Cầu Giấy "về đích" năm 2022 Hội Khuyến học quận Cầu Giấy kỷ niệm 20 năm thành lập Quận đoàn Cầu Giấy: Khen thưởng nhiều thanh thiếu nhi có thành tích xuất sắc

Đặc thù phức tạp về PCCC ở Cầu Giấy

Tại buổi làm việc, báo cáo đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn quận xảy ra 24 vụ cháy và 17 sự cố cháy. Trong đó, 1 vụ cháy nghiêm trọng, 5 vụ cháy trung bình, 41 vụ cháy nhỏ. Các sự cố trên đã khiến 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh, gây thiệt hại về tài sản ước tính gần 650 triệu đồng. Nguyên nhân của các vụ viêc chủ yếu là chạm chập, quá tải điện (80%), sơ suất khi sử dụng lửa trần và các nguyên nhân khác (20%).

Cũng theo ông Trần Việt Hà, hiện nay, trên địa bàn Cầu Giấy hiện có 6.553 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC; 609 cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy nổ; 12 cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy. Nhằm hạn chế những vụ hỏa hoạn có thể xảy ra, trong thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn quận đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, kiến thức pháp luật về PCCC với nhiều biện pháp, hình thức theo từng nhóm đối tượng.

Cụ thể, công an quận đã tổ chức kiểm tra 1.826 lượt; phối hợp với UBND phường lập biên bản xử phạt 66 trường hợp/88 lỗi vi phạm về PCCC với tổng số tiền phạt gần 447 triệu đồng. Đoàn kiểm tra liên ngành quận cũng đã tổ chức kiểm tra 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, phát hiện 19 cơ sở khó có khả năng khắc phục tồn tại về PCCC để tiếp tục hoạt động, lập biên bản vi phạm hành chính 164 lỗi.

Đặc biệt, theo ông Trần Việt Hà, hiện nay trên địa bàn quận có 194/208 khu chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC. Trong đó, 85/208 cơ sở vi phạm về trang bị phương tiện PCCC; 51 cơ sở vi phạm về hồ sơ quản lý; 41 cơ sở vi phạm về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; 35 cơ sở vi phạm về đường, lối thoát nạn…

undefined
Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy nêu thực trạng công tác PCCC trên địa bàn

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà, mặc dù đã rất nỗ lực, song hiện nay công tác PCCC trên địa bàn vẫn gặp không ít khó khăn. Dẫn chứng về việc này, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, địa bàn quận Cầu Giấy rộng, mật độ dân cư đông, các công trình chủ yếu là nhà cao tầng, nhà ống, nhà liền kề, nhiều công trình nhà ở tập thể cũ, xuống cấp. Quận có nhiều ngõ sâu, phố nhỏ ngắn, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông, nguồn nước chữa cháy, phương tiện chữa cháy thiếu khiến công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn gặp không ít khó khăn.

undefined
Ông Nguyễn Việt Trung, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng

Đại diện cho các phường trên địa bàn, ông Nguyễn Việt Trung - Chủ tịch phường Dịch Vọng cho biết, để chủ động trong công tác PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do cháy, nổ gây ra, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC, UBND phường Dịch Vọng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch tuyên truyền PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, tổ dân phố. Bên cạnh đó, phường đã thành lập các đội PCCC tại cơ sở, mô hình khu dân cư PCCC... được coi là biện pháp hàng đầu nhằm tăng cường sự phối hợp của người dân ngay tại các khu dân cư trong việc chữa cháy.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng nêu vấn đề, hiện nay theo quy định hiện hành, phường được giao phân cấp quản lý 17 hạng mục PCCC, song lực lượng đảm nhiệm hạn chế, ngay cả công an phường cũng không có cán bộ chuyên môn về PCCC. Từ đó, ông Nguyễn Việt Trung kiến nghị bổ sung cán bộ có chuyên môn để bảo đảm công tác PCCC.

Tái kiểm tra các cơ sở đã xử lý vi phạm PCCC

Thay mặt Đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá, mặc dù còn gặp một số khó khăn, vướng mắc tuy nhiên, quận Cầu Giấy đã quan tâm xây dựng các văn bản và chỉ đạo thực hiện công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn. Trước tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn Cầu Giấy thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm mà quận Cầu Giấy cần quan tâm chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Trước tiên cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt là Chủ tịch UBND các phường trong việc rà soát, xử lý, tái kiểm tra các cơ sở vi phạm về PCCC, quán karaoke trên địa bàn; đầu tư mua sắm trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ từng bước đáp ứng tốt hơn, phù hợp với đặc thù của từng phường.

undefined
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại buổi kiểm tra

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đi trước một bước. “Cần đến từng nhà, gõ từng cửa để cung cấp cho người dân các thông tin về tình hình cháy, nổ và công tác PCCC trong thời gian qua; các biện pháp phòng tránh và công tác cứu nạn cứu hộ khi có sự cố cháy xảy ra. Vận động nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mở thêm lối thoát nạn thứ 2”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Cũng tại buổi kiểm tra, để đảm bảo công tác PCCC trên địa bàn quận Cầu Giấy nói riêng, toàn TP nói chung đem lại hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn yêu cầu Sở Xây dựng rà soát họng nước chữa cháy trên toàn địa bàn; bể chứa nước, xe cung cấp nước, tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp trên toàn TP khi có sự cố. Sở VH&TT Hà Nội nghiên cứu đề xuất sửa đổi việc kinh doanh karaoke với điều kiện chặt chẽ hơn; làm rõ trách nhiệm vai trò quản lý nhà nước, nhất là với các cơ sở karaoke chui. Sở Công thương nghiên cứu cơ chế quản lý điện sau công tơ…

Hoa Thành
Phiên bản di động