“Quả đắng” mang tên trường quốc tế hay cú lừa ngoạn mục đánh vào sự sính danh

Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway vừa liên quan đến cái chết thương tâm của cháu bé 6 tuổi LHL, tự quảng bá là cơ sở đào tạo chất lượng quốc tế, học phí cực kỳ đắt đỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quyết định thành lập của trường này không có chữ “quốc tế”, chỉ đơn giản là Tiểu học Gateway. Họ gắn thêm hai chữ “quốc tế” chỉ để làm màu, dụ phụ huynh học sinh.
Trường Gateway International School "tự phong" trường Quốc tế Nghi vấn cần làm rõ trong vụ trường Gateway bỏ quên học sinh trên ô tô Hà Nội: Học sinh tử vong thương tâm vì bị Trường Quốc tế Gateway bỏ quên trên xe ôtô

“Bộ mặt thật” của Trường Gateway

Đám tang của cháu LHL đã được tiến hành vào chiều 7/8 tại quê hương Nga Sơn (Thanh Hóa) trong niềm đau xót vô hạn của cha mẹ cháu bé xấu số và gia đình. Cậu bé 6 tuổi, chưa kịp dự lễ khai giảng đầu tiên của cuộc đời tiểu học, đã nằm yên lành trong lòng đất. Không nên xới xáo lại nỗi tang tóc này thêm một chút nào nữa, bây giờ là thời điểm nói đến trách nhiệm của những người lớn.

Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người” đối với sự việc nêu trên. Công tác điều tra sẽ thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà Nước. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, dư luận không ngừng sôi sục với câu hỏi về chất lượng và cách quản lý của Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, đơn vị liên quan trực tiếp đến cái chết của cháu L.. Họ đã vận hành như thế nào, quy trình và cách làm việc có tương xứng với danh tiếng (mà họ tự quảng cáo) và số tiền khổng lồ mà học móc từ túi phụ huynh hay không?

Về danh xưng “quốc tế” của Trường Gateway, trao đổi thông tin với báo chí, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy nói rằng trong quyết định thành lập Trường Gateway, không hề ghi là trường quốc tế. Tên chính thức của trường trong quyết định thành lập là Trường Tiểu học Gateway. Vị Trưởng phòng giáo dục quận Cầu Giấy nói: “Trong quy định về loại trường không có quy định nào về tên trường quốc tế. Không có chữ Quốc tế, văn bản thành lập trường chỉ có tên là Trường Tiểu học Gateway. Có thể để quảng bá, thu hút học sinh các trường có thêm chữ quốc tế. Trên địa bàn quận Cầu Giấy chỉ có các trường có yếu tố nước ngoài là một số trường mầm non”.

Trái lại, dù không được cấp phép “quốc tế”, Trường Gateway luôn kèm theo danh xưng trường “Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway” trên tất các phương tiện quảng bá của trường, website, tên hiệu trên xe đưa đón học sinh, biển hiệu, quảng cáo tuyển sinh - nhưng chưa bao giờ bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Bên cạnh đó, trên website chính thức của nhà trường, ngay phần giới thiệu với “Thư ngỏ” gửi học sinh, Hiệu trưởng của trường được định danh là ông Jannie Le Roux gồm cả ảnh chân dung của vị Hiệu trưởng này (hiện nay, thông tin của vị này trên trang web của trường đã không thể truy cập được). Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Anh tiếp tục khẳng định: “Hiệu trưởng của trường này là người Việt Nam”.

Nhờ hai chữ “quốc tế”, Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway có mức học phí nằm trong top những trường phổ thông có mức phí cao nhất Hà Nội. Trên trang web của trường, học phí bậc tiểu học năm học 2019-2020 được niêm yết là 117 triệu đồng (chưa bao gồm các phụ phí khác, có thể đội lên đến 160 triệu/năm).

Một vấn đề rất quan trọng, được cho là mấu chốt dẫn đến cái chết của cháu LHL, là sự kết nối giữa nhà trường và phụ huynh rất trục trặc. Theo quảng cáo của nhà trường, Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway – Hà Nội đã chính thức được công nhận là thành viên của Hội đồng các trường Quốc tế CIS. Để được công nhận là thành viên chính thức của CIS, Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway phải trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt dựa trên 22 tiêu chí, trong đó có tiêu chí "Mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường".

Song, không như quảng cáo của trường này, trên thực tế rất nhiều phụ huynh phản ánh họ và giáo viên của lớp không được kết nối trực tiếp. Anh Trương Tất Thành, trưởng ban phụ huynh lớp 1 Tokyo (lớp của bé L. đã tử vong) cho biết, nhà trường quy định giáo viên và phụ huynh không liên hệ trực tiếp. Do đó, phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm không có số điện thoại của nhau. Mọi thông tin phản hồi đều thực hiện qua kênh mạng xã hội của trường. Trong khi việc kết nối giữa nhà trường và phụ huynh qua ứng dụng điện thoại không thuận lợi. Anh Trương Tất Thành nói rằng có một phụ huynh lớn tuổi đặt câu hỏi không dùng email, không dùng smartphone phải làm thế nào thì nhà trường chưa có câu trả lời.

“Quả đắng” mang tên trường quốc tế hay cú lừa ngoạn mục đánh vào sự sính danh

Những ngày qua, nhiều người đặt hoa trắng bên ngoài trường Gateway trước di ảnh nạn nhân LHL.

Quy chuẩn như thế nào đối với trường “quốc tế”?

Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, nhắm vào tâm lý sính ngoại, nhu cầu của người dân cho con học với giáo viên nước ngoài tại những ngôi trường có tên “kiểu phương Tây” ngày càng tăng, nhiều trường học đang tự gắn mác “quốc tế”. Trao đổi với một số phụ huynh có con theo học tại các trường “quốc tế”, hầu hết họ nghĩ rằng trường “quốc tế” chất lượng tốt hơn “trường nội” nên không ngần ngại chi tiền đầu tư cho con học. Trên thực tế, nếu các trường này dạy học không đúng như quảng cáo, người dân sẽ thiệt thòi, phải chi trả mức học phí cao không đáng và không có nguồn nhân lực chất lượng như mong đợi.

Khảo sát cho thấy, mức chi phí trung bình cho một năm học ở trường “quốc tế” dao động khoảng 150 triệu-200 triệu/năm. Cá biệt, một ngôi trường từng gây sốt khi áp dụng mức phí đến 400 triệu/học sinh/năm, chưa tính các khoản phụ thu khác.

Song, như thế nào là một trường “quốc tế”, thì không có văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng. Theo các chuyên gia, hiện mới chỉ có Nghị định 86/2018/NĐ- CP quy định hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định: Liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; Cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, điều 29 quy định việc đặt tên theo thứ tự: Trường - cấp học hoặc trình độ đào tạo - tên riêng. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh. Như vậy, trường có vốn đầu tư nước ngoài không quy định có từ “quốc tế”.

Hiện nay, có rất nhiều trường tự xưng “quốc tế” hoặc được cấp phép hoạt động nhưng bản chất không phải như vậy. Bởi vì, các trường quốc tế phải đáp ứng được 3 tiêu chí gồm: Trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau để học sinh có thể chuyển tiếp ra nước ngoài học hoặc thi lên trình độ cao hơn; chương trình phải được nhiều quốc gia công nhận; quy định về ngôn ngữ dạy học bằng ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp…

Chuyên gia giáo dục nêu quan điểm: Trường quốc tế phải có học sinh quốc tế, giáo viên quốc tế, có cơ sở nhiều nước, được thừa nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia; văn bằng, chứng chỉ cũng phải được các nước công nhận. Còn việc “gắn nhãn” quốc tế là “con gà đẻ quả trứng vàng” và vi phạm luật cạnh tranh, quảng cáo sai, lừa dối người dân.

Như đã nói ở trên, cái mác “trường quốc tế” đã đánh trúng vào tâm lý của một bộ phận phụ huynh, họ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Song, sự việc đáng tiếc xảy ra ở Trường Gateway đã khiến không ít người tỉnh ngộ. Chị Lê Thị Kim Cúc (ở khu vực Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) nói đầy lo lắng: “Việc nhận con giữa xe đưa rước và giáo viên chủ nhiệm có vấn đề. Cơ sở vật chất tốt nhưng năng lực giáo viên, năng lực quản lý quá kém không được như kỳ vọng. Trước tiên tôi sẽ cho con tạm nghỉ học ở nhà và rất có thể sẽ chuyển trường cho con để đảm bảo sự an toàn dù có lấy được tiền học phí hay không. Mình có tiền thì mình cho con học trường nào chả được, quan trọng nhất là sự an toàn của con”.

Chị chia sẻ thêm về sự thất vọng của mình: “Mình đã kỳ vọng vào trường học về sự an toàn đầu tiên mới bỏ ra số tiền lớn cho học tại đây. Học phí tôi bỏ ra để con học tại Trường Gateway chưa khuyến mãi là 180 triệu/năm, còn khuyến mãi rồi là 167 triệu/năm bao gồm cả việc đưa đón. Cái lớn nhất mà mình hướng đến là cho con hòa nhập với môi trường quốc tế như quảng cáo của nhà trường. Xảy ra sự việc này (ý nói đến cái chết của cháu LHL), chắc là thôi, mất tiền cũng sẽ cho con nghỉ học. Số tiền đấy cũng không thể đẻ, hoặc bù cho mình được đứa con khác”.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động