Phòng ngừa bạo lực ở cơ sở Y tế, cần sự quyết tâm của nhiều ban ngành

Dù ngành y tế đã triển khai rất nhiều giải pháp, kêu gọi sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan chức năng, song tình trạng nhân viên y tế bị hành hung không những không giảm mà còn gia tăng.
phong ngua bao luc o co so y te can su quyet tam cua nhieu ban nganh

Ngày 28/3, buổi “Tập huấn kỹ năng phòng ngừa bạo lực tại cơ sở Y tế” diễn ra tại tỉnh Hải Dương đã thu hút được sự chú ý của những người làm về lĩnh vực y tế, chữa bệnh trên khắp cả nước.

Có mặt tại buổi tập huấn, Trung tá, Ths. Đào Trung Hiếu cho rằng, đây là vấn nạn đang diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn nạn này diễn ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng.

Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có 8% - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Trong đó, việc bạo hành tinh thần như nhục mạ, chửi bới,... là không thể tính toán hết. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, khoảng 8 năm trở lại đây, cả nước có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung.

Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

“Tình trạng bạo hành diễn ra không những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cán bộ nhân viên y tế, mà ảnh hưởng xấu về mặt tinh thần. Đã có trường hợp bác sĩ bị đánh rơi vào trầm cảm, tình yêu nghề của những người làm y cũng theo đó giảm dần”, một chuyên gia chua xót chia sẻ.

phong ngua bao luc o co so y te can su quyet tam cua nhieu ban nganh

Tại buổi tập huấn, nhiều khách mời cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này là do lối hành xử không chuẩn mực của một bộ phận người dân có trình độ văn hóa thấp. Việc sử dụng rượu, bia, các chất kích thích… ở một số người bệnh, người nhà bệnh nhân khiến họ không kiềm chế được mà xảy ra xô xát. Một khía cạnh khác có thể là do phương pháp làm việc, giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân của một số y, bác sĩ còn chưa hợp lý.

Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì việc để xảy ra bạo lực tại cơ sở Y tế là không thể chấp nhận. Vấn đề này cần được chấn chỉnh và kiểm soát chặt chẽ hơn từ các cơ quan, ban ngành khác nhau để bảo vệ quyền lợi của những người làm y.

Một số chuyên gia khác cũng cho hay, ở các nước phát triển bên cạnh việc bảo vệ nhân viên y tế bằng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, các hành vi xâm phạm nhân viên y tế cho dù chỉ là lời nói đều bị trừng phạt rất nặng. Như vậy, ở nước ta luật pháp hiện hành còn chưa đủ tính răng đe, đây là một lỗ hỏng cần được cải thiện.

phong ngua bao luc o co so y te can su quyet tam cua nhieu ban nganh

Từ những đóng góp nêu trên, Trung tá, Ths. Đào Trung Hiếu cho rằng, để phòng chống bạo hành, mỗi cơ sở y tế cần phải xây dựng môi trường làm việc thật sự chuyên nghiệp đăc biệt quy trình làm việc phải chặt chẽ. Cần có hệ thống cảnh báo phòng chống bạo hành, có đội ngũ bảo vệ có kỹ năng, kiến thức phòng chống bạo hành, liên kết với đơn vị công an khu vực ngay khi có bạo hành xảy ra.

Đồng thời cá nhân mỗi nhân viên y tế phải được trang bị kiến thức, kỹ năng tự vệ. Có ý thức phòng chống bạo hành, nghĩa là phải luôn luôn nhìn nhận ngoài công việc chuyên môn thì có thể nhận biết những nguy cơ đe dọa đối với mình mà có biện pháp xử lý.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã có những ký kết với Bộ Công an, một số Sở Y tế cũng đã ký kết phối hợp với Công an địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực các bệnh viện.

phong ngua bao luc o co so y te can su quyet tam cua nhieu ban nganh
phong ngua bao luc o co so y te can su quyet tam cua nhieu ban nganh

Nhiều trường hợp, khi có bạo hành xảy ra khi gọi được công an thì việc đã xong… Vì vậy, để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ nhân viên y tế, trong thời gian tới ngành y tế và ngành công an sẽ có những kí kết phối hợp, lập đường dây nóng để nhân viên y tế có thể gọi bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra trong bệnh viện để kịp thời xử lý.

Ngành y tế cũng mong các bệnh viện phối hợp với ngành Công an lắp đặt hệ thống camera để quan sát, theo dõi những hành vi mà các đối tượng gây ra với cán bộ y tế.

Có thể thấy, hiện trạng bạo hành tại các cơ sở Y tế đang diễn ra hết sức nhức nhói. Việc phòng ngừa, ngăn chặn không để bạo hành xảy ra là hết sức cấp bách không còn của riêng ngành y tế. Đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành có liên quan trong thời gian tới.

Theo Thời báo Kinh tế
Phiên bản di động