Phó thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai tại số 6-8 Chùa Bộc

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm vi phạm về đất đai tại số 6-8 Chùa Bộc.
"Bar chui" Airport Chùa Bộc hoạt động công khai nhiều năm trước sự "bất lực" của chính quyền

Liên quan đến vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại số 6-8 Chùa Bộc, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 15/6/2020.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, lô đất rộng 9.825,7m2 số 6-8 phố Chùa Bộc vốn thuộc quyền sử dụng của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank). Sau đó, ngày 8/7/2016, MB Bank đã chuyển nhượng tài sản trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất cho Tổng công ty 36 - CTCP (TCT 36).

pho thu tuong yeu cau kiem tra xu ly vi pham ve dat dai tai so 6 8 chua boc
Dù phải chịu tiền thuê đất, nhưng đến nay TCT 36 vẫn chưa thể lấy lại được đất từ Công ty AVAC.

Chấp thuận việc chuyển nhượng này, ngày 22/7/2016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 4025/QĐ-UBND về việc thu hồi đất tại 6-8 Chùa Bộc từ MB Bank để giao cho TCT 36 thuê. Ngày 15/12/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho TCT 36.

Đáng nói, sau khi hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án khu nhà cao tầng dịch vụ thương mại tại số 6-8 Chùa Bộc thì TCT 36 lại không thể triển khai dự án do một doanh nghiệp ký hợp đồng thuê một phần mặt bằng làm văn phòng và kinh doanh Bar Airport… trước đó với công ty con của MB Bank đã không chịu trả lại mặt bằng mặc dù hợp đồng thuê đã hết thời hạn từ năm 2015.

Theo tìm hiểu vụ việc của phóng viên, năm 2014 Công ty Cổ phần địa ốc MB (MB Land) cho Công ty Cổ phần An Vượng Á Châu (Công ty AVAC) thuê toàn bộ tài sản hiện hữu trên khu đất A, khu đất B, khu đất C và tòa nhà Sắc Xuân phía sau tòa nhà Khách sạn ASEAN tại 6-8 Chùa Bộc.

pho thu tuong yeu cau kiem tra xu ly vi pham ve dat dai tai so 6 8 chua boc
Quán bar Airport hoạt động ''chui'' nhiều năm nay trên lô đất số 6-8 Chùa Bộc.

Theo Hợp đồng số 30/2014/MBLAND-AVAC ký ngày 31/10/2014, Công ty AVAC thuê tài sản nhằm kinh doanh cho thuê văn phòng, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, hoạt động quán rượu, quầy bar… thời thuê là một năm, sau ngày 31/12/2014 là hết hợp đồng.

Cũng theo hợp đồng thuê tài sản với MB Land thì Công ty AVAC phải trả lại vô điều kiện tài sản thuê và phần giá phần giá trị tài sản tăng thêm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà ngày 5/5/2015, MB Land và Công ty AVAC ký hợp đồng mua bán tài sản công cụ dụng cụ. Trong đó, MB Land đã phải chi 11 tỷ đồng để mua bộ phận massage, bể bơi, khu văn phòng, bãi xe - tòa nhà Sắc Xuân với mục đích là để lấy lại mặt bằng.

Sau đó, ngày 30/6/2015 Công ty AVAC lại ký hợp đồng thuê tài sản với Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản MB Bank thuê tòa nhà Sắc Xuân 2 tầng trong khuôn viên khu đất số 6-8 Chùa Bộc; thời hạn hợp đồng là hai tháng chấm dứt vào ngày 30/8/2015.

pho thu tuong yeu cau kiem tra xu ly vi pham ve dat dai tai so 6 8 chua boc
Toàn cảnh lô đất 6-8 Chùa Bộc nhìn từ trên cao.

Các hợp đồng trên sau khi hết hạn đều không được các công ty của MB Bank gia hạn. Như vậy, tính đến thời điểm MB Bank chuyển nhượng tài sản cho TCT 36 thì Công ty AVAC không còn quyền gì đối với những tài sản đã thuê ngoài việc cố ý trây ỳ không chịu trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

Mới đây, TAND quận Đống Đa đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ TCT 36 khởi kiện Công ty AVAC đòi quyền sử dụng đất. Theo Bản án sơ thẩm số 14/2020/DS-ST ngày 5/5/2020, Hội đồng xét xử đã nhận định, việc chiếm hữu sử dụng quyền sử dụng đất tại số 6-8 Chùa Bộc của Công ty AVAC là không có căn cứ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của TCT 36.

Còn đối với tài sản trên đất của Công ty AVAC tại số 6-8 Chùa Bộc gồm có: Bãi xe, dãy nhà cấp 4, khu massage, bể bơi, nhà hàng bò tơ Tài Sanh, quán bar Airport đều không có giấy phép xây dựng. Mặt khác theo hợp đồng thuê tài sản với MB Land thì Công ty AVAC phải trả lại vô điều kiện tài sản thuê và phần giá phần giá trị tài sản tăng thêm. “Do đó, Công ty AVAC có nghĩa vụ di dời toàn bộ số tài sản xây dựng không phép trả lại mặt bằng cho TCT 36”.

Bên cạnh đó, tòa án còn buộc Công ty AVAC phải hoàn trả toàn bộ quyền sử dụng đất đang chiếm hữu, và phải bồi thường cho TCT 36 số tiền hơn 28,7 tỷ đồng. Đây là khoản tiền thuê đất, thuế đất TCT 36 phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước trong thời gian Công ty AVAC chiếm dụng đất.

Đáng nói, cũng qua sự việc này, dư luận cũng bất ngờ về sự buông lỏng của chính quyền quận Đống Đa khi để Công ty AVAC xây dựng nhiều công trình không phép và kinh doanh quán bar Airport trái phép nhiều năm nay nhưng không xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, quán bar Airport Chùa Bộc là một trong những điểm nóng về an ninh trật tự và sử dụng ma túy trên địa bàn quận Đống Đa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Doãn Hưng - Hậu Lộc
Phiên bản di động