Phó Thủ tướng yêu cầu bình ổn giá vật liệu xây dựng

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông.
Thanh Hóa sẽ loại bỏ công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường Eurowindow - Top 10 doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng lớn nhất Việt Nam 2021 Thanh Hóa: Mượn đường thi công dự án, cày nát như "tương" nhưng không sửa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; Kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Phó Thủ tướng yêu cầu bình ổn giá vật liệu xây dựng
Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều dự án bất động sản, hạ tầng gặp khó khăn

Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.

Trước đó, như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phản ánh, thời gian qua, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng rất mạnh, khiến cho nhiều chủ đầu tư các dự án và doanh nghiệp thi công công trình gặp khó khăn.

Qua khảo sát thị trường cho thấy, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như: Cát, gạch, đá, xi măng, thép, tôn... đều đã tăng bình quân từ 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá cát tăng khoảng 10.000 đồng/m3, cát vàng thô đang ở mức 390.000 - 470.000 đồng/m3; Cát đen từ 140.000 - 170.000 đồng/m3 (giá rao tận nơi đối với xe chở nhỏ hơn 20 khối)... Còn giá xi măng tăng 3.000 - 5.000 đồng/bao 50kg; Gạch ống tăng khoảng 100 đồng/viên.

Theo nhiều nhà thầu xây dựng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng và giá sắt thép thế giới tăng mạnh là nguyên nhân khiến giá thép xây dựng trong nước tăng cao. Đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng khác, do nhu cầu xây dựng phục hồi sau dịch COVID-19 nên giá cũng tăng theo.

Mặt khác, hiện nay việc vận chuyển, cung ứng các loại vật liệu xây dựng vẫn gặp một số khó khăn cũng là nguyên nhân khiến các mặt hàng này tăng giá.

Việc giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến tiến độ thi công của các nhà thầu gặp nhiều trở ngại. Trên thực tế, với mức giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như hiện nay, một số nhà thầu đang rơi vào cảnh càng thi công càng lỗ.

Đại diện một số nhà thầu bất động sản cho biết, giá vật liệu tăng cao khiến các nhà thầu phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đứng trước các hợp đồng trọn gói hoặc phải đàm phán với chủ đầu tư để chia sẻ rủi ro. Chi phí tăng cao, biên lợi nhuận mỏng đi, các công ty xây dựng cũng phải tính đến các biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của biến động giá.

Đại diện một nhà thầu ở Hà Nội cho biết, giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến hoạt động của doanh nghiệp bị tác động mạnh. Theo lý giải, các hợp đồng thi công đều ký từ năm ngoái, thời điểm giá đầu vào chưa biến động mạnh song đến giờ chi phí thi công lại tăng cao do nguyên vật liệu.

"Chúng tôi không biết phải làm sao, bởi hợp đồng đã được ký kết. Chúng tôi cũng phải đàm phán với chủ đầu tư chia sẻ, nếu không thì cũng phải chịu lỗ để thi công", vị này chia sẻ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động