Phát huy hiệu quả mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát

Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, thời gian qua, quận Thanh Xuân đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình mới về an toàn thực phẩm.
Huyện Đan Phượng đảm bảo công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2022 Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm

Hiệu quả từ các mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm

Năm 2018, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” được triển khai thí điểm tại các quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố...

Từ thành công ấy, năm 2019, Hà Nội tổ chức thêm 6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát thuộc các quận, huyện, thị xã: Đống Đa, Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Sơn Tây.

Mục đích của việc này là góp phần hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm và giúp người dân có địa chỉ sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất kinh doanh.

Đến nay, theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, nhìn chung tại các “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng.

Nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận như: 94,69% số cơ sở dịch vụ ăn uống tại các quận, huyện thí điểm đã niêm yết công khai Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết an toàn thực phẩm và nguồn gốc thực phẩm; 85,5% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, tăng 51,3% so với trước khi can thiệp, giám sát; 100% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sử dụng nguồn nước sạch.

Phát huy hiệu quả mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP quận Thanh Xuân thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở tại tuyến phố kiểm soát ATTP phường Thượng Đình

Đặc biệt, mô hình đã có chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm đối với người bán hàng. Thông qua mô hình, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng đã tăng; Điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm của chủ cơ sở được cải thiện, nhận thức về vai trò quản lý của các cấp chính quyền được nâng cao. Về cơ bản, mô hình này giúp người tiêu dùng có thêm địa chỉ để lựa chọn, thưởng thức ẩm thực ở những cửa hàng đáng tin cậy.

Thanh Xuân là quận đầu tiên xây dựng triển khai tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại phường Thượng Đình - mô hình điểm về dịch vụ ăn uống. Từ khi tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại phường Thượng Đình được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đến nay, hằng tháng, hằng quý phường phối hợp với phòng Y tế, trung tâm Y tế quận tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát lần lượt các cơ sở và nhắc nhở, xử lý những cơ sở chưa thực hiện tốt.

Các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố bắt buộc phải có hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm và những cơ sở thực phẩm này phải bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp cho biết: Hằng ngày, các cơ sở kinh doanh phải thực hiện ghi chép sổ giao, nhận thực phẩm, sổ kiểm thực 3 bước để tiện cho việc truy xuất nguồn gốc, công khai đến khách hàng địa chỉ, nguồn gốc nguyên liệu; Nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm và nhân viên phục vụ phải có sức khỏe và kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định...

“Chúng tôi cũng nêu rõ quy định, nếu cơ sở nào vi phạm thì bên cạnh việc nhắc nhở, phường sẽ tiến hành xử phạt, gỡ bỏ biển “Cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát” và công khai tên cơ sở vi phạm trên loa truyền thanh của phường. Rất mừng là tính đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở nào vi phạm đáng kể”, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp chia sẻ.

Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến phố an toàn thực phẩm

Theo báo cáo kết quả triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của UBND quận Thanh Xuân, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 1.206 lượt cơ sở thực phẩm (21 cơ sở sản xuất, 91 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 973 cơ sở dịch vụ ăn uống và 121 cơ sở thức ăn đường phố). Qua đó, xử phạt 88 cơ sở với hơn 146 triệu đồng.

Ngoài ra, quận cũng tổ chức thẩm định cấp mới 16 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 6 giấy phép bán lẻ rượu, tiếp nhận 15 hồ sơ tự công bố sản phẩm của 3 cơ sở cấp quận quản lý…

Để đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian tới, quận Thanh Xuân tiếp tục tập trung công tác duy trì tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại phố Thượng Đình, phường Thượng Đình và cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở thực hiện cam kết trách nhiệm về an toàn thực phẩm… Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Phát huy hiệu quả mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát
Các cơ quan chức năng quận Thanh Xuân tập trung tuyên truyền, kiểm soát về an toàn thực phẩm

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa, để thực hiện tốt việc duy trì tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại tuyến phố Thượng Đình; Duy trì và phát triển các cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát năm 2022, UBND quận đã yêu cầu kiểm tra, giám sát, nâng cấp cơ sở vật chất của các điểm cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát sau thời gian dịch bệnh.

Cùng đó, quận yêu cầu Phòng Y tế quận chủ trì, phối hợp với phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND phường Thượng Đình tham mưu UBND quận chỉ đạo tổ chức thực hiện duy trì tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại phố Thượng Đình; Các cửa hàng an toàn thực phẩm có kiểm soát.

Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; thực hiện tốt chế độ hậu kiểm, giám sát.

Ngoài ra, phối hợp với Trung tâm Y tế quận, UBND phường Thượng Đình tổ chức giám sát, hướng dẫn tư vấn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm; Tổ chức khám sức khỏe cho người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm cho người chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, hướng dẫn các tiêu chí về an toàn thực phẩm, kiểm soát nguyên liệu chế biến thực phẩm.

“Trong thời gian tới, quận duy trì tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại phường Thượng Đình và phát triển thêm tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm để nâng cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở dịch vụ ăn uống nhằm phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân”, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp thông tin.

Thanh Hà
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động