Mỹ phẩm trôi nổi bủa vây spa:

Núp bóng “chuyển giao công nghệ” để tuồn mỹ phẩm Evam không an toàn ra thị trường

Ngoài dòng sản phẩm Iris đang lưu hành “lén lút” tại các spa thì gần đây báo Tuổi trẻ Thủ đô lại tiếp tục phát hiện thêm dòng sản phẩm trôi nổi khác, có tên Evam với phần hướng dẫn sử dụng thể trên bao bì bằng chữ Trung Quốc.
Bài 1: Sản phẩm Iris trôi nổi được “lên đời” qua các spa với giá “cắt cổ” Chuyển giao gần 6.000 tỷ đồng vốn Nhà nước từ Bộ Xây dựng về SCIC Làm giàu không khó - Bài 2: Sửng sốt cách "chuyển giao công nghệ làm đẹp" của công ty Bảo Trang

Làm giàu từ mỹ phẩm trôi nổi chữ Trung Quốc

Được biết dòng sản phẩm Evam chưa được cấp phép lưu hành nhưng các tài khoản facebook cá nhân Lê Yến (Boss Evam); Hoàng Thị Liên; Thanh Thanh, Trang Nhung… liên tục giới thiệu công dụng “thần thánh” của những sản phẩm này như: “Đánh bay nám thần tốc” ; “Nhập khẩu độc quyền với phương pháp điều trị nám không tái lại”…

Thậm chí một nhóm người còn thường xuyên tổ chức các buổi “chuyển giao” để thu hút thêm đại lý.

Với vai trò là một chủ spa, phóng viên được bà Lê Yến giới thiệu đến tham dự lớp chuyển giao công nghệ tại cơ sở JiSpa (T7S0A5 – Tòa T7 – Time City, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), mặc dù bên ngoài cơ sở này treo biển quảng cáo “Trung tâm điều trị nám - mụn – tàn nhang bảo hành tròn đời không tái lại” nhưng lại chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

undefined
Bà Liên dùng tăm lấy dung dịch chấm vào vùng nám, tàn nhang cho khách và ngay lập tức dung dịch ăn mòn phần da của khách hàng

Những buổi chuyển giao thường diễn ra trong 1 ngày với gần 20 người tham gia là các chủ spa được đại lý mời đến hoặc tự tìm đến thông qua những thông tin quảng cáo trên trang facebook cá nhân Lê Yến (Boss Evam); Hoàng Thị Liên; Thanh Thanh…

Gọi là chuyển giao công nghệ nhưng thực chất là buổi bán sản phẩm trôi nổi trá hình, bởi sau những chia sẻ của bà Lê Yến về công dụng, cách dùng của những sản phẩm trôi nổi Evam sẽ là phần thực hành trực tiếp trên da của khách tham gia buổi chuyển giao.

Các “chim mồi” là đại lý sẽ tìm mọi cách tiếp cận khách mời sau đó thuyết phục, dùng những lời lẽ có cánh để khách thực hiện làm mẫu trải nghiệm sản phẩm, ngay tại buổi chuyển giao:

“Em muốn đưa sản phẩm về spa của mình thì em cứ trải nghiệm sản phẩm trước đi đã, hôm nay làm luôn đi, được miễn phí kỹ thuật, tội gì không làm, làm cho da mình đẹp lên đi tư vấn mới dễ” – một đại lý dẫn dụ.

undefined
Cở sở ji spa treo biển quảng cáo là trung tâm điều trị khiến nhiều người lầm tưởng đây là phòng khám bệnh, chữa bệnh

Qua lời dẫn dụ đã có 4 đến 5 người tham gia trải nghiệm sản phẩm và những người này phải lấy 1 đơn hàng đã được chiết khấu còn từ 9 đến 12 triệu… nếu không lấy sản phẩm sẽ bị dọa:

“Đã làm kỹ thuật rồi mà không lấy sản phẩm về bôi thì sẽ hỏng hết da, lúc ấy chúng em không chịu trách nhiệm đâu, phải dùng theo phác đồ thì mới có hiệu quả được” – Người thực hiện làm kỹ thuật cho khách mời tại buổi chuyển giao cho biết.

Theo bảng giá được nhóm người, đứng đầu là bà Lê Yến đưa ra tại buổi chuyển giao thì sản phẩm có chính sách chiết khấu khá “hời”

Cụ thể, nếu bỏ 15 triệu nhập hàng sẽ có ngay chức danh là chi nhánh và được chiết khấu 25%, để lên đại lý khách hàng cần nhập 30 triệu sản phẩm sẽ được chiết khấu 35%...mức chiết khấu cao nhất là giám đốc kinh doanh với đơn hàng 500 triệu sẽ được chiết khấu lên tới 62%.

Ngay trong buổi chuyển giao nhóm người đã “chốt” được kha khá đơn hàng sỉ và lẻ dòng kem trôi nổi Evam.

Núp bóng chuyển giao công nghệ để bán “vé tử thần” cho các chủ spa

Quan sát thực tế, các sản phẩm của dòng Evam được trình bày hoàn toàn bằng chữ nước ngoài trong đó có chữ Trung Quốc, phần tem phụ Tiếng Việt thể hiện đơn vị nhập khẩu phân phối là: Duy Anh International Asthetic Company Limited.

Nhưng khi khách hàng hỏi về tính pháp lý của sản phẩm bà Lê Yến (Boss của dòng sản phẩm Evam –PV) trả lời qua loa là đang hoàn thiện giấy tờ và chưa gửi về Việt Nam. Thực chất đó chỉ là cách “lấp liếm” cho sản phẩm trôi nổi mà bà này đang phân phối, bởi trên thực tế Cục quản lý Dược chưa cấp phép lưu hành cho dòng sản phẩm Evam.

undefined
Sản phẩm trôi nổi Evam đang "len lỏi" vào các spa thông qua những buổi chuyển giao công nghệ trá hình

Theo quy định, mặt hàng mỹ phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế. Khi nhập khẩu mỹ phẩm để lưu hành ra thị trường, cần thực hiện Công bố sản phẩm mỹ phẩm. Điều này nhằm ngăn chặn mỹ phẩm nhái, giả về chất lượng và bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng.

Đáng nói, phần thực hiện kỹ thuật “chấm nám” tại buổi chuyển giao công nghệ của nhóm người trên, diễn ra vô cùng nguy hiểm, bởi chính bà Hoàng Thị Liên (tự xưng là Giám đốc kỹ thuật của dòng sản phẩm Evam– PV) đã cảnh báo về 1 loại dung dịch được đặt tên “thuốc phân giải sắc tố A” thuộc dòng sản phẩm Evam.

“Khi lấy thuốc phân giải sắc tố A làm cho khách các bạn phải lấy cẩn thận và lấy 1 ít 1 để tránh dính vào mắt khách hàng, khi chấm cũng rất quan trọng, không nên chấm quá tay bởi nếu lấy nhiều có thể gây cháy da, mù mắt” – Vừa thực hiện chấm sản phẩm bà Liên cảnh báo với các “học viên”

undefined
Một khách hàng sau khi chấn nám

Nguy hiểm là vậy, nhưng việc lấy dung dịch của bà Liên lại hoàn toàn theo cảm tính bằng cách dùng tăm nhúng vào dung dịch sau đó chấm lên các nốt nám, tàn nhang. Quan sát bao bì của dung dịch phân giải sắc tố A thì không hề ghi thành phần, cách sử dụng…chỉ thấy hiện tượng tức thì là da mặt bị đỏ ửng, lỗ chỗ thậm chí rỉ máu…

Theo các chuyên gia về da liễu cho biết: Những dung dịch trôi nổi mà một số spa dùng để chấm vào các vết nám, mụn ruồi, tan nhang…thực chất thành phần chính là dạng axit pha loãng, khi dung dịch này tiếp xúc với vùng da nào sẽ ngay lập tức bị bào mòn, nếu chấm quá tay axit sẽ ăn sâu vào da, phá vỡ kết cấu thượng bì đẻ lại sẹo lõm, thậm chí có thể gây hoại tử da.

Chia sẻ với báo chí ThS. BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương – cũng cho biết: Chúng tôi thường xuyên khám và điều trị cho các bệnh nhân sử dụng phải mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo BS Hà, những trường hợp dùng phải mỹ phẩm giả, trôi nổi đa phần sẽ bị dị ứng, kích ứng vì có thể trong mỹ phẩm đó chứa những chất độc với cơ thể, gây tổn hại da. Một là chất lột tẩy mạnh gây mất sắc tố, gây bỏng, gây sẹo trên da và kích ứng da như bong tróc, rát…

undefined
Cách đây nhiều năm phương pháp dùng axit chấm nám đã bị lên án do để lại hậu quả nặng nề về thẩm mỹ cũng như sức khỏe con người

“Nguy hiểm hơn là những chất đó gây biến đổi thành phần lý hóa trên bề mặt da và mô phía dưới, trong đó, phải kể đến chất corticoid. Hiện thị trường có rất nhiều sản phẩm chứa chất corticoid nhưng không được ghi rõ trên bao bì. Sau khi dùng các sản phẩm này, thời gian đầu thì da đẹp nhưng một thời gian biến đổi giãn mạch, mọc lông, teo mỏng da, thay đổi sắc tố, phụ thuộc corticoid, nếu không dùng thì sẽ bị mẩn ngứa. Có người bị sau 2 - 3 tháng hoặc vài năm sử dụng. Điều trị các trường hợp này vô cùng khó khăn” - BS Hà cho biết.

Mỹ phẩm hàng nhái, hàng giả còn gây nguy hiểm đến tính mạng khi có những trường hợp phải cấp cứu do dùng mỹ phẩm trôi nổi.

Đinh Linh
Phiên bản di động