Nuôi con thời đại dịch: Phụ huynh bị quá tải, nổi cáu vì "trăm thứ đổ đầu"

Những ngày giãn cách khiến tôi cạn kiệt sức sống. Tôi "bí" ý tưởng trong công việc, đồng thời cũng phải sống trong mớ hỗn độn khi phải nghĩ xem
“Đi muộn, về sớm” vẫn được hưởng đủ lương Tránh bi kịch nuôi con trong "lồng ấp", cha mẹ Việt có dám buông tay? Bi kịch của phụ huynh nuôi con trong "lồng ấp"

Nếu phụ huynh trở nên… "quá tải"

Dịch Covid-19 xảy ra không chỉ làm thay đổi nề nếp sinh hoạt, học tập của trẻ em, mà ngay cả các ông bố, bà mẹ - những người đã "từng trải" và dạn dày kinh nghiệm sống cũng trở nên bối rối, thậm chí có lúc "quá tải" vì vừa ở nhà làm việc từ xa, vừa phải lo công việc nhà, nấu nướng, chăm sóc và giáo dục con cái cả ngày.

Có hai con nhỏ, phụ huynh Đào Thị Thùy (TP HCM) cho biết, cuộc sống của gia đình thay đổi rất nhiều từ đại dịch. Nhìn nhận một cách tích cực, thì trong những ngày dịch bệnh, cha mẹ và con cái có nhiều thời gian dành cho nhau hơn. Dẫu vậy, cũng có vô vàn rắc rối xảy đến khi đang làm việc ở nhà mà bị các bé làm phiền, mè nheo và bày đủ trò để chọc phá.

"Những ngày giãn cách khiến tôi cạn kiệt sức sống. Tôi "bí" ý tưởng trong công việc, đồng thời cũng phải sống trong mớ hỗn độn khi phải nghĩ xem hôm nay cho cả nhà ăn gì, cho con chơi trò gì, làm sao để con không xem tivi, YouTube quá nhiều… Tôi dễ nổi cáu với chồng và hai đứa nhỏ" - chị Thùy tâm sự.

Đồng cảm, phụ huynh Thu Lan (mẹ bé Linh) thừa nhận cuộc sống mùa dịch đôi khi tồn tại vô vàn rắc rối. Song, chị Thu Lan khẳng định, nếu biết cách sắp xếp, các bậc làm cha, làm mẹ vẫn có thể cân bằng giữa công việc trực tuyến hiệu quả và trách nhiệm nuôi dạy, giám sát con.

"Mọi người có thể dậy sớm, hoặc tranh thủ lúc bé ngủ… để hoàn thành công việc. Còn nếu không thể tranh thủ những khoảng thời gian "trống", thì để làm việc hiệu quả, cha mẹ có thể cho con được giải trí tự do, hoặc giao việc, bài tập cho con làm... Khi làm việc xong thì lại tiếp tục chơi cùng con".

Cũng theo chị Lan, tận dụng khoảng thời gian dịch bệnh này, phụ huynh nên tập cho con tính kỷ luật, tự lập, đồng thời chủ động để dù rơi vào bất kỳ tình huống nào, con cũng có thể tự học hoặc tự thiết kế niềm vui cho chính mình.

Là một người mẹ, đồng thời là một giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Phúc cũng "bật mí" cách giải tỏa, tránh căng thẳng dành cho cha mẹ khi vừa phải làm việc tại nhà, vừa chăm sóc con cái.

"Khi làm việc, các bậc phụ huynh hãy chọn cho mình một không gian riêng để có thể tập trung cao độ vào công việc. Cũng đừng quên tự thưởng cho bản thân những giây phút thư giãn bằng cách lướt FB, đọc báo… sau những giờ "cần lao".

Đồng thời, để mỗi ngày trôi qua một cách thuận lợi và đảm bảo cảm xúc ổn định cho cha mẹ và con cái, phụ huynh nên tạo cho con một nếp sinh hoạt cố định: khi nào là giờ chơi, đâu là giờ viết chữ, rồi giờ ngủ… Cách này sẽ giúp phụ huynh kiểm soát được giờ giấc của các bé để điều chỉnh sao cho phù hợp với công việc cá nhân của bản thân mình".

Cũng theo cô Phúc, cha mẹ cũng đừng ngại chia sẻ với con những nỗi lo, khó khăn với con cái. Ví dụ, với các bé lớn, nếu quá bận bịu với công việc, phụ huynh nên giãi bày để nhận được sự góp sức của các con thông qua một việc như: giúp bố mẹ rửa bát, quét nhà… Những hành động này dù là nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn trong việc san sẻ và thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình.

Tranh thủ rèn con tính tự lập

Dù đã có nhiều kế hoạch cho kỳ nghỉ hè như tham gia cắm trại, du lịch, học các lớp kỹ năng nhưng tình hình dịch bệnh đã khiến mọi kế hoạch phải gác lại. Vốn có sở thích nấu ăn và đặc biệt là làm bánh nên những ngày này Phương Linh (10 tuổi) đã xin mẹ lên YouTube học các công thức và nhờ mẹ mua nguyên liệu để có thể tập làm bánh.

Không phải lần nào làm cũng thành công, có những món phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới được nhưng cô bé vui vì luôn có mẹ bên cạnh để làm "chuột bạch" nếm thử, đánh giá và đóng góp ý kiến.

Nuôi con thời đại dịch: Phụ huynh bị quá tải, nổi cáu vì trăm thứ đổ đầu - 1
Hồi hộp chờ thành quả.

"Mỗi lần làm ra thành phẩm con đều rất háo hức, nhờ tôi chấm điểm cho. Tôi nhớ hôm đầu tiên tập làm con nói với tôi rằng "Con không chắc nó con ngon hay không nhưng đây là mẻ bánh đầu tiên chính tay con làm nên con muốn người được thưởng thức đầu tiên là mẹ". Câu nói ấy khiến tôi xúc động vô cùng bởi tôi nhận ra con gái đã lớn thật rồi", chị Thu Lan, mẹ bé Linh, cho hay.

Chị Lan cũng cho biết thêm, ngoài việc cho con thỏa mãn với sở thích của mình, nhân những ngày giãn cách ở nhà, chị cũng dạy con những công việc nhà để con biết và có thể giúp đỡ bố mẹ.

Nuôi con thời đại dịch: Phụ huynh bị quá tải, nổi cáu vì trăm thứ đổ đầu - 2
Hãy để trẻ em làm việc nhà.

Nhà có khu vườn khá rộng, những ngày này vợ chồng anh Đức Hùng đã cùng con gieo trồng nhiều loại rau củ và cây trái.

"Thực phẩm bây giờ cũng rất khó mua, tôi thiết nghĩ nhân đây ở nhà tự trồng thì tốt hơn mà cũng đảm bảo nữa. Gia đình cùng nhau làm vườn và gieo trồng cũng rất vui và thú vị, đặc biệt tôi càng vui hơn khi cậu con trai cũng nhiệt tình tham gia".

Đức Anh (7 tuổi), con trai anh Hùng tỏ ra rất hào hứng khi được cùng bố mẹ làm vườn. "Con thấy làm vườn rất vui. Bố mẹ mua cho con một chiếc xẻng nhỏ để con có thể xới đất. Mỗi ngày con cùng bố mẹ tưới cho những luống rau, cứ mỗi sáng thức dậy nhìn ra vườn con lại thấy chúng lớn hơn một chút con cảm thấy rất vui".

Còn với bé Hạ Linh (12 tuổi) niềm vui những ngày chỉ được ở nhà là được học và làm những đồ handmade. "Chị của em đã dạy em làm những chiếc nhẫn, chiếc vòng từ hạt rất xinh xắn. Lúc đầu là chỉ định làm cho vui nhưng về sau thấy nhiều người thích nên 2 chị em làm để bán luôn. Làm vừa vui mà lại vừa có chút tiền nên em rất hào hứng".

Nuôi con thời đại dịch: Phụ huynh bị quá tải, nổi cáu vì trăm thứ đổ đầu - 3
Em Trần Văn Chương tự tạo cho mình những trò chơi bổ ích trong "mùa hè giãn cách".

Em Trần Văn Chương (Hải Phòng) cho biết từ đầu hè tới giờ, em chỉ quanh quẩn ở trong nhà chứ ít khi được ra ngoài. Để tự tìm niềm vui cho mình, em đã tự lập ra một thời gian biểu thật khoa học.

Theo đó, mỗi ngày, em dành ít nhất 2 tiếng buổi sáng để học bài, đọc trước sách giáo khoa lớp 6 để chuẩn bị cho năm học mới. Thời gian còn lại, em đá bóng trong sân, chơi lego hoặc xem tivi, đọc truyện và làm một số việc giúp bố mẹ.

"Mới đầu, em cũng cảm thấy khá buồn và gò bó vì không được ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên thì bố mẹ và cô giáo có phân tích cho em hiểu được ý nghĩa quan trọng của việc ở nhà, không chỉ giữ gìn sức khỏe bản thân mà còn giúp bảo vệ cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Em mong dịch bệnh mong chóng được dập tắt để em có thể được đi học và trở lại cuộc sống bình thường" - Chương chia sẻ.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động