Nữ tiến sĩ luyện hương trà

Tháng 9/2019, TS. Trần Thị Thanh Nhị tham gia Cuộc thi pha chế trà Việt Nam (Tea Masters Cup Viet Nam 2019) tổ chức ở Hà Giang, cô vượt qua 20 nghệ nhân trong cả nước, giành giải nhất phần thi “Trà và đồ ăn kèm”. Tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị là một trong ba nghệ nhân của Việt Nam được chọn tham gia cuộc thi pha chế trà thế giới năm 2020 tổ chức tại Trung Quốc.
Nữ tiến sĩ trẻ luôn “cháy” hết mình với đam mê

Trà thất và văn chương

Tôi về Huế, được các bạn bè văn chương ở đây giới thiệu, tìm tới thất trà ở Thành Nội của cô giáo, Tiến sĩ văn học Trần Thị Thanh Nhị. Đó là một ngôi nhà xây dựng dở dang, được cải hóa mà thành. Trong quán thấy nhiều sư thầy, ni cô, tất nhiên không thiếu các nhà thơ.

Cô khá cởi mở, nụ cười trên môi: “Thật ra em học hành giảng dạy ở Huế chứ gia đình em hiện ở Quảng Bình”. Cô “Di nhiên tiểu thư” là cháu gọi ngài Thượng thư Phạm Xứng thời nhà Nguyễn là cố: “Nhà chúng tôi có khu vườn rất đẹp. Khu vườn đó vốn là đất vua Đồng Khánh ban cho cố tôi là quan Thượng thư Phạm Xứng, cũng là cha vợ vua Đồng Khánh khi ngài về quê hưu trí. Vì ngài không có con trai nên ông ngoại tôi được thừa hưởng mảnh đất đó làm nơi sinh sống và thờ tự. Trong vườn nhiều hoa thược dược, lay ơn, đồng tiền, xác pháo, hồng bạch, hồng nhung, cúc trắng, cúc vàng, vạn thọ, quỳnh... được trồng theo ô”.

Di Nhiên tiểu thư còn nhớ mãi hình ảnh ông ngoại sáng sáng chọn lấy một bông hoa còn đẫm sương lành cho vào ấm trà.

Mùi hương ban đầu

Tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị nhận xét: “Trong các kí ức của con người, kí ức về mùi hương có lẽ là bền lâu và khó quên nhất. Nhiều lúc, nâng một chén trà, vị đánh thức kỉ niệm, mùi hương tìm mùi hương”.

Ngoài thời gian nghiên cứu, giảng dạy, cô tiến sĩ mê trà rong ruổi từ Đồng Văn, qua Mèo Vạc, suối Giàng… nơi nào có trà ngon cô đều tìm đến. Đến để thưởng thức, tìm hiểu và tìm cách tiêu thụ sản phẩm cho người trồng trà. “Tôi ăn ở trong các gia đình người Mông, đi vào rừng cùng họ hái trà. Có những giống trà tưởng như đã tuyệt chủng, thậm chí đồng bào lần đầu tiên nghe nói tới, nhưng cuối cùng chúng tôi đã tìm ra”. Tự tay pha trà, tự mình lo toan mọi công việc ở quán trà, Di Nhiên tiểu thư nói rằng cô có cái “duyên” với trà.

Tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị giới thiệu với tôi giống trà mà các bậc quyền quý người Mông xưa thường uống. Chúng hết sức quý hiếm. Điều đặc biệt trong nghệ thuật trà đạo Việt của tiến sĩ Nhị đó là cô kết hợp các loại trà dân gian với hương vị sen Huế, các loại hoa Huế trở thành một sản phẩm mới mẻ, khác biệt.

Để trà có hương vị Huế, cô thường phải “vào hương” cho trà năm lần, bảy lượt. Mỗi lần như thế, những cô gái Huế ướp hương trà cũng phải giữ mình, khéo léo tựa như chính họ là những bông hoa.

“Tôi không làm trà - Bản thân tôi cũng đã là trà rồi” - Di Nhiên tiểu thư nói. Tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị yêu trà và cô không coi việc mở trà thất là chuyện kinh doanh. Nếu người ta chỉ nghĩ đến tiền thì chính điều đó đã làm mất đi hương vị cuộc sống, đánh mất đi hương vị của trà. Số lượng trà cô làm ra bởi thế không nhiều. Đôi khi cô chủ bán trà mà lòng tiếc nhớ chúng như muốn đứt cả ruột!

Bách hoa khôi - Hoàng mai trà, một loại trà quý hiếm và danh tiếng, mỗi năm tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị chỉ bán đúng một ngày vào ngày Rằm tháng Giêng, tại Di Nhiên trà thất của cô.

Vẻ đẹp tinh thần bền vững

Người ta khó hình dung được Di Nhiên tiểu thư đã phân bổ thời gian thế nào để chu toàn cả trong công việc giảng dạy, nghiên cứu, trà đạo… Mỗi ngày, cô ngủ nghỉ rất ít. Khi khách khứa rời quán trà, cô đắm mình vào những cuốn sách, những tác phẩm văn học. Dường như trà đạo là một con đường để đưa Trần Thị Thanh Nhị đến với văn chương.

Đề tài Tiến sĩ Ngữ văn của Trần Thị Thanh Nhị thực hiện là đề tài: “Dự báo trong văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam: Nội dung và phương thức thể hiện’” (GS.TS Trần Ngọc Vương hướng dẫn). Đề tài có những nghiên cứu thú vị, như nhóm nhân vật thánh nhân, danh nhân thường có các loại dự báo về sự ra đời của họ thông qua giấc mộng của người mẹ, các điềm lạ …

Cô Nhị từng viết những bài về việc tìm trà, khảo trà mà sinh viên rất thích, có đoạn: “Chúng tôi đã cẩn thận, tỉ mẩn pha thưởng thức trà Lũng Phìn trong tâm thế sung sướng như một vị vua và bàn luận cùng nhau về một chi tiết thú vị được nghe trong cuộc trò chuyện ban ngày là theo gia phả của họ Sùng truyền lại thì chè có giá trị nhất là chè cổ, càng lâu năm thì nội chất càng tốt cho sức khỏe người uống, và giữ cho tinh thần sáng suốt. Vì vậy mà các bậc vua chúa vùng này xem việc uống trà Lũng Phìn như là một cách để gìn giữ cho chiếc ngai vàng của họ được vững mạnh!” (“Đi săn … chè” – Trần Thị Thanh Nhị).

Người ta thường nói tới các thuật ngữ như “luyện chữ”, “luyện võ”, còn tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị thì thường nói tới chuyện “luyện hương”. Có những mẻ trà 7 lần vào hương, tốn thời gian một tháng trời. Ngày đêm thao thức đợi hương trà.

Tháng 9/2019, TS. Trần Thị Thanh Nhị tham gia Cuộc thi pha chế trà Việt Nam (Tea Masters Cup Viet Nam 2019) tổ chức ở Hà Giang, cô vượt qua 20 nghệ nhân trong cả nước, giành giải nhất phần thi “Trà và đồ ăn kèm”. Tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị là một trong ba nghệ nhân của Việt Nam được chọn tham gia cuộc thi pha chế trà thế giới năm 2020 tổ chức tại Trung Quốc.

Nguồn: Tienphong
www.tienphong.vn
Phiên bản di động