Nóng tuần qua: Miền Trung "oằn vai" gánh bão
Khi thông tin áp thấp ngoài biển Đông mạnh lên thành bão, nhằm thẳng vào Nam Trung Bộ thì cũng là lúc "cơn bão" thông tin 39 người chết trong xe container ở Anh có thể là người Việt Nam gây chao đảo cả dư luận.
![]() |
Bão số 5 làm cây cổ thụ bật gốc |
Cơn bão của thiên nhiên mang theo mưa lớn quét qua 4 tỉnh, mang theo hàng trăm tỷ đồng cùng cây cối, hoa màu, đồ vật của người dân. Sau bão, có những làng chài ở Bình Định tan hoang, có những ngư dân tay trắng. Cây đổ đầy đường, bãi biển ngập rác, tàu cá chìm... Các lực lượng chức năng phải dốc sức để khắc phục hậu quả của bão số 5 còn Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Khi những tàn dư của bão số 5 vẫn còn rơi rớt, dân miền Trung hốt hoảng khi nghe dự báo sắp có bão mới có khả năng đổ bộ vào đây vào khoảng 10-11/11 này.
Bão chồng bão, nước biển dâng có thể làm cả một vùng đất biến mất... là hậu quả của việc con người tàn phá môi trường, khai thác thiên nhiên quá mức. Chính vì vậy, có cả một chiến dịch kêu gọi nói không với rác thải nhựa bằng hành động cụ thể chứ không phải lời nói suông. Và vị giáo sư toán học đáng kính Ngô Bảo Châu cũng góp sức thay đổi nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu bằng một bài viết dài với những câu hỏi đau đau "lần cuối bạn trồng cây là khi nào?"
Rất may mắn là cơn bão số 5 không gây thiệt hại về người. Nhưng trong tuần còn có một "cơn bão" khác với 39 nạn nhân trong xe container ở Anh khiến cả thế giới bàng hoàng. Tin dữ từ Anh khiến một gia đình ở Nghệ An kêu cứu vì có con mất tích cùng thời điểm, rồi hàng chục gia đình cũng lần lượt báo con mất tích. Người ta ngỡ ngàng về vùng đất có cả ngàn căn biệt thự nhưng ẩn sau đó là tiếng thở dài khi đằng sau đó là những phận người rơm trồng cỏ nơi xứ người, của những con người làm cả đời chưa hết nợ trả cho một giấc mộng châu Âu sớm lụi tàn.
![]() |
Cha mẹ lập bàn thờ vọng khi nghi ngờ con mình là 1 trong 39 nạn nhân gặp nạn ở Anh Quốc |
Đến hiện tại khúc ruột miền Trung Việt Nam lại thêm một lần 'quặn thắt' khi nhiều gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh nhận tin từ Anh quốc con họ là một trong số những nạn nhân xấu số. Những bàn thờ vọng đã dựng nên. Những bậc cha mẹ đầu đầy sương muối cạn nước mắt ngóng ngày mang xác con về đất mẹ. Giấc mơ đổi đời phù hoa phải trả giá bằng cả mạng sống và nỗi đau không gì sánh nổi của bậc sinh thành.
Chính phủ các nước đã phát triển cả một hệ thống dự báo thời tiết để đoán trước đường đi của những cơn bão. Những tin cảnh báo liên tiếp được phát đi tới người dân để giảm thiểu thiệt hại do những cơn bão gây ra. Nên chăng cũng cần có những kịch bản, nhiều cảnh báo để thảm kịch 39 người chết ở Anh không lặp lại?