Nóng trong tuần: Điều dưỡng bị bệnh nhân, người nhà hành hung, Thêm 2 người tử vong vì SXH

Điều dưỡng bị bệnh nhân, người nhà túm cổ, tát vào mặt; Thêm 2 người tử vong vì sốt xuất huyết; Hai bệnh nhân chạy thận ở Nghệ An bị sốc nhiễm khuẩn huyết; 3 trường hợp được thanh toán trực tiếp tiền khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế; Các cơ sở y tế sẽ chấm dứt sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần là những tin nóng tuần qua.
Nóng trong tuần: Thiếu nữ tử vong vì sốt xuất huyết, hoại tử vì tiêm filler nâng mũi Tiếp tục nắng nóng trong ngày đầu tuần, cẩn thận với bệnh viêm đường hô hấp Phát hiện vũ khí nóng trong nhà nghỉ có hàng chục đối tượng đang mở "tiệc ma túy"

Điều dưỡng bị bệnh nhân, người nhà túm cổ, tát vào mặt

Trong 2 ngày 28 và 30/7, tại bệnh viện này đã liên tiếp xảy ra 2 vụ việc nhân viên y tế bị người bệnh, người nhà bệnh nhân hành hung khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Mới nhất, khoảng 2 giờ ngày 30/7 khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân Hoàng V.Q (SN 1982, Uông Bí, Quảng Ninh), được nhóm bạn đưa vào viện trong tình trạng kích thích, hơi thở có mùi rượu, có vết thương vùng bả vai trái.

3 giờ sau vào viện, người bệnh có tình trạng kích động đã tự ý tháo bỏ kim truyền dịch, băng đo huyết áp, đi khắp khoa chửi nhân viên y tế và xông vào túm cổ điều dưỡng Tô Thanh Tùng đang thực hiện nhiệm vụ gần đó.

Trước đó 2 ngày, khoảng 20h ngày 28/7, Khoa Cấp cứu bệnh viện này tiếp nhận người bệnh Nguyễn Thị Thu T (SN 1994, Đông Triều, Quảng Ninh) được chồng là Lê Khả S đưa vào khám.

Tại đây anh S to tiếng và chửi nhân viên y tế. Điều dưỡng Anh đang thực hiện y lệnh thuốc cho một bệnh nhi ở gần đó đã giải thích, đề nghị người nhà bình tĩnh không to tiếng gây ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh trong khoa, ngay lập tức người này đã tát vào mặt điều dưỡng Phan Ngọc Anh. Sự việc sau đó đã được lực lượng bảo vệ bệnh viện ngăn chặn kịp thời.

Thêm 2 người tử vong vì sốt xuất huyết

Ngành Y tế Đắk Lắk ngày 31/7 cho biết địa phương này vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết (SXH). Đây là trường hợp thứ 2 tử vong vì bệnh này tại Đắk Lắk. Trước đó là trường hợp thiếu nữ 15 tuổi.

Bệnh nhân là Hoàng Đình Bình (SN 1994), ở thôn 2, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar. Ngày 19/7, bệnh nhân bị sốt cao kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn. 3 ngày sau, bệnh nhân được người nhà đưa đi điều trị tại cơ sở y tế tư nhân nhưng bệnh không đỡ, ngày 26/7, nam thanh niên 25 tuổi nhập viện điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày 6 có dấu hiệu cảnh báo, đến trưa ngày 28/7, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà, chẩn đoán bệnh lúc xin về là sốt xuất huyết Dengue nặng ngày 9 – suy đa tạng. 18 giờ cùng ngày, bệnh nhân tử vong tại nhà.

nong trong tuan dieu duong bi benh nhan nguoi nha hanh hung them 2 nguoi tu vong vi sxh
Diệt bọ gậy để đảm bảo không cho muỗi sinh sản

Cũng trong ngày 31/7, Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết đã tiếp nhận, điều trị bệnh nhi với các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết và viêm não.

Cụ thể, bé trai 7 tuổi trú thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Chư Sê đến Bệnh viện Nhi Gia Lai vào chiều 25/7 với các triệu chứng như: sốt cao, khó thở, nói sảng… Bệnh viện đã lấy mẫu máu và dịch não tuỷ để xét nghiệm.

Qua xét nghiệm mẫu máu, bệnh nhi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Dù được tận tình điều trị nhưng bệnh tình của bé diễn tiến ngày càng nặng, gia đình đã xin đưa về nhà và bé P đã tử vong.

Hai bệnh nhân chạy thận ở Nghệ An bị sốc nhiễm khuẩn huyết

Trong 6 bệnh nhân Nghệ An phản ứng bất thường khi chạy thận, hai phụ nữ cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai bị suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn.

Trưa 2/8, Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hai nữ bệnh nhân được chuyển đến khoa chiều 31/7 trong tình trạng nặng. Cả hai đều bị toan chuyển hóa, suy đa tạng. Các bác sĩ đã tiến hành bù dịch, cung cấp oxy, sử dụng kháng sinh phổ rộng, hồi sức tích cực và lọc máu lên tục.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là hai bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết. Loại vi khuẩn gây sốc là Bukhodelria cepacia. Đây là vi khuẩn có mức độ kháng cao đối với một số nhóm kháng sinh, gây nhiễm trùng bệnh viện.

Trước đó, chiều 30/7, trong số 21 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thì có 6 người phản ứng khác thường như sốt, buồn nôn. Bệnh viện đã dừng toàn bộ hệ thống máy chạy thận, đồng thời cấp cứu các nạn nhân. Ba trường hợp nhẹ được về nhà trong đêm, ba người được hồi sức cấp cứu tích cực sau đó 2 người đã chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai.

3 trường hợp được thanh toán trực tiếp tiền khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế

Bắt đầu từ (1/8), Thông tư số 09/2019/TT-BYT bắt đầu có hiệu lực. Đáng chú ý, Thông tư quy định các trường hợp đặc biệt được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh, 3 trường hợp người bệnh được thanh toán trực tiếp tiền khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế gồm:

- Người có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

nong trong tuan dieu duong bi benh nhan nguoi nha hanh hung them 2 nguoi tu vong vi sxh
3 trường hợp được thanh toán trực tiếp tiền khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế

- Trường hợp người bệnh không thể xuất trình thẻ bảo hiểm y tế trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong, bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.- Trường hợp người bệnh không cung cấp được dữ liệu thẻ hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ.

Mức thanh toán cho người bệnh trong các trường hợp này được quy định tại Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và chi tiết tại Công văn số 141/BHXH-CSYT.

Như vậy, kể từ 1/8, khi người dân làm mất, quên thẻ bảo hiểm y tế vẫn sẽ được thanh toán tiền khám, chữa bệnh trực tiếp.

Các cơ sở y tế sẽ chấm dứt sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về giải quyết vấn đề chất thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký Chỉ thị số 8 yêu cầu ngành y tế cùng hành động để giảm chất thải nhựa. Trong đó, Bộ trưởng kêu gọi các cơ sở y tế hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy.

nong trong tuan dieu duong bi benh nhan nguoi nha hanh hung them 2 nguoi tu vong vi sxh
Tranh minh họa về việc phân loại rác thải Y tế

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị; phải có các nội dung, chỉ tiêu phấn đấu và mốc thời gian thực hiện.

Các cơ sở y tế phải bố trí kinh phí trong nguồn kinh phí được giao hàng năm của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác để thực hiện Chỉ thị; phát động phong trào thi đua và chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ hằng năm tiến hành tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về cơ quan quản lý cấp trên.

Đinh Linh (t/h)
Phiên bản di động