Nợ phải trả của Vinaconex tăng cao, dòng tiền kinh doanh âm 1.512 tỷ đồng

Tính đến cuối tháng 3/2021, nợ phải trả của Vinaconex ở mức hơn 13.804 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 10.210 tỷ đồng, tăng 14%.
Vinaconex lên tiếng về thông tin Tổng giám đốc bị công an triệu tập Vinaconex bán toàn bộ vốn góp tại 3 công ty yếu kém

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021.

Theo đó, trong quý 1/2021, Vinaconex ghi nhận doanh thu 952 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hoạt động xây lắp chiếm 48% tổng doanh thu, đạt hơn 454 tỷ đồng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu đã giúp lãi gộp tăng 44%, lên 154 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Vinaconex tăng cao, dòng tiền kinh doanh âm 1.512 tỷ đồng
Tòa nhà Vinaconex.

Đáng nói, trong quý 1/2021, các khoản chi phí của Vinaconex đều giảm mạnh. Kết quả, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 345,3 tỷ đồng, tăng 441,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo lý giải của Vinaconex, nguyên nhân lãi tăng mạnh là do công ty thu được lợi nhuận cao từ việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại một số công ty con.

Tính đến 31/3/2021, tổng tài sản của Vinaconex ở mức hơn 21.497 tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn gần 9.750 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm; hàng tồn kho 2.474 tỷ đồng.

Việc tăng các khoản phải thu cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm hơn 1.512 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm cuối tháng 3/2021, tổng nợ phải trả của Vinaconex ở mức hơn 13.804 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 10.210 tỷ đồng, tăng 14%; nợ dài hạn gần 3,594 tỷ đồng, tăng 4%.

Vốn chủ sở hữu của Vinaconex ở mức 7.693 tỷ đồng, tức chỉ bằng phân nửa so với tổng nợ phải trả của công ty.

Hậu Lộc
Phiên bản di động