Những cú đâm chí mạng quanh cánh cổng trường

Chỉ một phút bốc đồng, những gương mặt non nớt khoác trên mình chiếc áo trắng đồng phục lại sớm kết thúc con đường học hành của mình sau cánh cổng trường…
Hà Nội: Phê duyệt đồ án Quy hoạch 1/500 Tổ hợp công trình công cộng, trường học và nhà ở Đức Giang 3 nữ sinh lớp 10 bị đình chỉ học vì đánh nhau trước cổng trường Áo xanh tình nguyện ngoài cổng trường giữa mùa Covid-19

Ám ảnh nhất đối với phụ huynh, các học sinh những giờ qua là tin một học sinh lớp 9, Trường THCS Hưng Khánh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) dùng dao đâm học sinh cùng trường.

Theo đó, khoảng 11h45 ngày 20/3, trong khi Nguyễn Minh Đ (sinh năm 2006) và Nguyễn Minh P (sinh năm 2007) đang chờ xe đón ở cổng trường thì xảy ra xô xát.

Đ dùng dao để sẵn trong túi quần đâm P trúng bụng. Rất may sau đó P đã được đưa đi cấp cứu kịp thời và sức khỏe đã dần bình phục.

Những cú đâm chí mạng quanh cánh cổng trường
Rất may P đượcc đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã thoát "án tử" (ảnh báo LĐ)

Không may mắn như P, trước đây 2 năm, một nam sinh lớp 10 ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) tên C trong lúc mâu thuẫn, xô xát đã bị Đinh Hải Long (sinh năm 2000, khi đó là học sinh lớp 12) dùng dao bấm để sẵn trong túi quần, đâm liên tiếp. Mặc dù C đã được đưa đi cấp cứu, song do vết thương nặng, nên đã tử vong tại bệnh viện.

Cũng gây ra án mạng đau lòng khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nam sinh P.V.D (17 tuổi, học sinh lớp 11, Trường THPT Nho Quan B, Ninh Bình) đã đâm chết bạn cùng học. Vụ việc xảy ra cuối tháng 12/2020 khiến dư luận bàng hoàng.

Những sự việc đau lòng trên đều xảy ra quanh cánh cổng trường, khi tương lai của cả “hung thủ” và nạn nhân đều còn rất dài. Giờ đây cánh cổng trường khép lại, nhưng cánh cổng nào mở ra tương lai cho các em lại là một câu hỏi lớn mang theo lo lắng, bất an của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Điểm chung của các thủ phạm giết người trên đều là do mâu thuẫn bộc phát, tuổi đời đều còn rất trẻ (dưới 18 tuổi) vì vậy ngoài khung hình phạt theo Bộ luật Hình sự đối với tội danh giết người (Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này) thì trong Điều 91, Bộ luật Hình sự có nêu rõ: “Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”.

Điều 91: Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Theo quy định của điều 123 phạm tội giết người phải chịu án tù. Vì các đối tượng trên đều là người chưa thành niên do đó sẽ không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình. Tuy nhiên, mức án tù của các trường hợp này còn phụ thuộc hành vi của đối tượng: Nếu người bị giết dưới 18 tuổi, hoặc có tính chất côn đồ thì có thể bị mức án từ 12 năm đến 20 năm, nếu không thuộc trường hợp đó thì bị án tù từ 7 năm đến 15 năm.

Do đối tượng là người chưa thành niên nên hình phạt sẽ được hưởng mức án nhẹ hơn so với quy định của bộ luật.

Xoay quanh những sự việc đau lòng trên, phải khẳng định rằng dù với động cơ gì, lý do gì, thì việc tước đoạt mạng sống của người khác là không thể chấp nhận được.

Chúng ta vừa trải qua những ngày “nghỉ tết” dài nhất lịch sử vì dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều thứ trở nên thay đổi. Việc trở lại trường để quay lại với quỹ đạo học tập khiến học sinh căng thẳng, cộng với đó là những mâu thuẫn “trời ơi, đất hỡi” của lứa tuổi học trò. Những nền nếp trước đó được tạo dựng, giờ phải cần thêm thời gian, sự kiên trì từ cả phía giáo viên, học sinh và phụ huynh. Lúc này, các em rất cần sự đồng hành, chia sẻ của phụ huynh để mọi việc sớm ổn định.

Những câu chuyện đau lòng lại xảy ra trong môi trường giáo dục, là nơi hình thành nhân cách, định hướng tương lai cho học trò khiến chúng ta ít nhiều băn khoăn về khoảng trống đạo đức học đường.

Dạy một học sinh giỏi giang trong học tập, thành tài đã khó; nhưng giáo dục thế nào để các em trở thành người bình thường, sống tử tế, cao hơn là “thành tài” càng khó khăn gấp bội. Công việc ấy đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ các nhà giáo được đào tạo bài bản mà còn cả từ phía phụ huynh, giờ đây còn cả từ xã hội, từ các cấp, các ngành liên quan.

Hoa Thành
Phiên bản di động