Nhiều nhà máy đóng cửa, buôn lậu mía đường ngày càng tinh vi

Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Trương Hòa Bình vừa giao Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ trước đó về các giải pháp chống buôn lậu và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, Bộ Tài chính cho biết, trong 5 năm gần đây giá bán lẻ mặt hàng đường Việt Nam luôn tăng cao hơn từ 20 - 30% so với đường Thái Lan, sản xuất trong nước chưa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng cả về chất lượng lẫn số lượng.

Do đó, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng. Trong đó, đường nhập lậu chủ yếu từ Thái Lan qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam, miền Trung rồi đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ, hoạt động này đang diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

nhieu nha may dong cua buon lau mia duong ngay cang tinh vi
Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng mía đường.

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công thương nghiên cứu xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với mặt hàng đường và một số mặt hàng khác liên quan đến thực phẩm, ảnh hướng sức khỏe cộng đồng. Theo đó, nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chí về truy xuất nguồn gốc nước xuất khẩu, quy trình đóng gói, nhãn trên bao bì, tiêu chí về chất lượng sản phẩm.

Đồng thời cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng mức phạt tiền và hình thức phạt bổ sung đối với trường hợp cố ý vận chuyển hoặc vận chuyển nhiều lần mặt hàng đường nhập lậu.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sửa đổi bổ sung quy định đối với mặt hàng đường phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Quy định truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code,... nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một các nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường...

Trong tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Tại cuộc họp, Thủ tướng khẳng định, Nhà nước quyết tâm, có giải pháp ủng hộ ngành mía đường cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, nhưng nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường mà yêu cầu ngành này phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chấp nhận sự đào thải các doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành mía đường hiện nay đang gặp khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Niên vụ năm 2018-2019 có 17/38 doanh nghiệp có khả năng mất vốn chủ sở hữu. Giá thu mua mía nguyên liệu giảm từ 100 đến 200 nghìn đồng/tấn, ở mức từ 700 đến 800 nghìn đồng/tấn, ngang với giá thành.

Hiện có 7 nhà máy đường đã dừng hoạt động và cũng chỉ có khoảng 4-5 nhà máy hoạt động hiệu quả nhờ sớm có sự chuẩn bị tốt với việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan theo cam kết thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN bắt đầu từ 1/1/2020, tái cơ cấu, đầu tư khoa học công nghệ, sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Cùng với việc bỏ hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN thì nhiều nước trên thế giới có sự can thiệp, trợ giá cho mặt hàng này khiến giá đường nhập khẩu rất rẻ. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu đường của doanh nghiệp nước ta hầu như không có vì chính sách bảo hộ của nước nhập khẩu.

Về thách thức đối với ngành mía đường hiện nay, hiện nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, không chỉ tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN mà 12 Hiệp định thương mại tự do khác. Do đó, vấn đề đặt ra chính là nhận thức rõ các thách thức này để sản xuất phải gắn với thị trường.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây khô hạn ở các vùng nguyên liệu, tình trạng gian lận thương mại, thể chế chưa hợp lý đối với nhập khẩu đường thô, đường lỏng chưa phù hợp. Tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tổ chức sản xuất của ngành mía đường chưa thành công.

Vì vậy, việc giao các cơ quan chức năng có các biện pháp về phòng vệ thương mại không trái quy định quốc tế, chống bán phá giá đối với đường lỏng và một số mặt hàng khác, tăng cường chống buôn lậu đường, chống gian lận thương mại; phê duyệt giá điện từ mía một cách phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường đầu tư hàng năm, có nguồn kinh phí nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa các vùng mía tập trung. Ngân hàng Nhà nước xem xét tổng thể những vùng hạn hán, thiên tai, khó khăn để khoanh, giãn nợ cho nông dân, xem xét cho vay ưu đãi và chế biến đường đối với những nhà máy, khu vực có hiệu quả.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn của ngành mía đường.

Văn Huy
Phiên bản di động