Nhiều lãnh đạo quận, huyện ở Hà Nội tìm đủ mọi cách “né" báo chí

Báo chí phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân để các cơ quan chức năng nắm bắt, xử lý nhưng lãnh đạo nhiều quận, huyện tại Hà Nội lại không nghĩ vậy(?). Khi phóng viên tới liên hệ để trao đổi về những tồn tại, hạn chế, giải pháp... thì tìm đủ mọi cách "né", thậm chí "không thèm phản hồi".
Báo chí có vai trò quan trọng trong xây dựng chỉnh đốn Đảng Hà Nội sẽ xây dựng một "ngôi nhà chung" cho báo chí Trung ương và thành phố

Báo chí là tiếng nói của Nhân dân

Với vị thế là cơ quan ngôn luận của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là tiếng nói và diễn đàn của các tầng lớp Nhân dân, báo chí luôn giữ vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính thống, tin cậy cho công chúng, xã hội. Đó cũng là lý do bảo đảm cho báo chí khẳng định được vị thế, tầm ảnh hưởng quan trọng của mình đối với xã hội nói chung, đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.

Hiện nay, ở Việt Nam, bên cạnh việc là tiếng nói của cơ quan, ngành, địa phương… báo chí còn đồng thời tiếng nói của Nhân dân, các tầng lớp xã hội phản ánh các ý kiến, nguyện vọng họ để các cơ quan chức năng nắm bắt, xử lý, khắc phục.

Nhìn chung, thời gian qua, báo chí đã thông tin khá đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các định hướng của địa phương, đoàn thể, ngành, cơ quan… góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, động viên, tạo điều kiện để người dân ủng hộ, thực hiện các chủ trương, chính sách.

Nhiều lãnh đạo quận, huyện ở Hà Nội tìm đủ mọi cách “né
Trụ sở HĐND, UBND thị xã Sơn Tây

Bên cạnh đó, báo chí cũng đã phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được Nhân dân quan tâm, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, báo chí cũng đã chỉ ra được những thiếu sót của chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị để các cấp có thẩm quyền kịp thời chấn chỉnh, định hướng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chế độ, đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí "dường như" đang bị hạn chế chức năng thông tin phản ánh, vai trò là “tiếng nói của Nhân dân” của báo chí trở nên nhạt nhòa bởi câu chuyện quy hoạch và cụm từ “tôn chỉ, mục đích”.

Xin khẳng định rằng, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với thực tiễn của đất nước cũng như xu thế chung của thời đại. Quy hoạch giúp siết lại tình trạng “loạn” cơ quan báo chí, đồng thời hạn chế việc một số cơ quan báo chí “quấy nhiễu” doanh nghiệp, cơ quan công quyền...

Mặc dù vậy, việc quy hoạch và siết “tôn chỉ, mục đích” báo chí lại đem lại một hệ quả khác đó là một số tổ chức, thậm chí cả cơ quan công quyền lờ đi quy định của Luật Báo chí, cố tình hiểu sai “tôn chỉ, mục đích” để lợi dụng cản trở báo chí tác nghiệp nhằm mục đích bịt thông tin, che giấu tiêu cực, thỏa hiệp với những điều sai trái.

Nhiều lãnh đạo quận, huyện ở Hà Nội tìm đủ mọi cách “né
Trụ sở HĐND, UBND quận Cầu Giấy

Trước đó, ngày 6/11/2020, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về tôn chỉ, mục đích của báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, tức là các cơ quan, tổ chức nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Mỗi một cơ quan, tổ chức đều có chức năng, nhiệm vụ riêng và các cơ quan báo chí phải bám theo các chức năng, nhiệm vụ này, hay còn gọi là tôn chỉ, mục đích để tuyên truyền và vì thế sẽ vẽ lên bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam.

Trước ý kiến cho rằng, thực hiện tôn chỉ, mục đích sẽ hạn chế quyền của cơ quan báo chí, đặc biệt là trong việc chống tiêu cực, tham nhũng... Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định không hạn chế quyền đó và nhấn mạnh khi cơ quan báo chí đi theo mảng chuyên ngành thuộc lĩnh vực của cơ quan chủ quản thì họ có toàn quyền đăng tải thông tin về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng theo chuyên ngành của mình, thậm chí còn thuận lợi vì có thể viết rất sâu.

Không có hạn chế với báo chí

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng đã nghiêm túc chấp hành quy định cung cấp thông tin, trả lời báo chí theo Luật Báo chí, Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 21/1/2014 của Thành ủy Hà Nội và Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước TP Hà Nội của UBND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có tình trạng nhiều cơ quan báo chí bị cơ quan công quyền từ chối cung cấp thông tin vì một số lí do, trong đó nổi bật là lí do “tôn chỉ, mục đích”.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù là cơ quan ngôn luận của Thành đoàn Hà Nội nhưng khi tác nghiệp trên địa bàn cũng bị một số lãnh đạo quận, huyện từ chối làm việc hoặc né tránh cung cấp thông tin.

Nhiều lãnh đạo quận, huyện ở Hà Nội tìm đủ mọi cách “né
Trụ sở HĐND, UBND huyện Gia Lâm

Đơn cử, để xác minh đơn thư khiếu nại của người dân về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ làm việc nhiều lần với UBND huyện Gia Lâm nhưng qua một thời gian dài vẫn không nhận được phản hồi. Và phải sau 43 ngày với hàng loạt bài viết “xướng tên” huyện Gia Lâm né tránh cung cấp thông tin báo chí thì lãnh đạo huyện này mới "miễn cưỡng" làm việc, trao đổi thông tin với phóng viên.

Tương tự, tại quận Cầu Giấy, thời gian qua rất “nóng” về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng và đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng nhận được nhiều ý kiến bức xúc của người dân về hàng loạt bãi trông giữ xe hoạt động không phép, sai phép, các sân bóng, nhà xưởng, gara ô tô... sử dụng đất trái mục đích tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông và an ninh trật tự.

Với mong muốn xác minh, làm rõ và thông tin đa chiều với chính quyền quận Cầu Giấy để kịp thời kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh vi phạm. Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND quận Cầu Giấy nhưng cũng không nhận được bất cứ phản hồi nào, trong khi các vi phạm vẫn công nhiên tồn tại, thách thức sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo đó, nhằm thông tin tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIV Đảng bộ huyện Thạch Thất sớm đưa vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện này, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tích cực bằng cách nhiều lần gửi công văn, giấy giới thiệu đề nghị huyện này phối hợp, trao đổi thông tin nhưng không nhận được bất cứ sự phản hồi nào.

Nhiều lãnh đạo quận, huyện ở Hà Nội tìm đủ mọi cách “né
Trụ sở HĐND, UBND huyện Thạch Thất

Thậm chí, nhân dịp kết thúc năm 2020 và bắt đầu năm 2021, với mong muốn thông tin tuyên truyền về các thành tựu về kinh tế - xã hội của huyện Thạch Thất nhằm cổ vũ, động viên tinh thần lãnh đạo, cán bộ và Nhân dân huyện, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã đặt lịch phỏng vấn lãnh đạo huyện Thạch Thất nhưng "nhiều tuần lễ" trôi qua cũng không nhận được phản hồi nào và “giấy giới thiệu” của báo Tuổi trẻ Thủ đô có lẽ đã dần chìm vào quên lãng nhờ vào sự thờ ơ của chính quyền nơi đây.

Chính quyền cấp quận, huyện ở gần trung tâm thành phố đã vậy, còn Thị xã Sơn Tây, thì sao?

Thời gian qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin về công trình tại thôn Đồi Vua (xã Sơn Đông) bị người dân phản ánh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng nhưng vẫn ngang nhiên thi công, bất chấp pháp luật.

Để làm rõ thông tin, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tìm "mọi cách" liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND xã Sơn Đông và UBND thị xã Sơn Tây nhưng đều “hoài công vô ích”.

Liên quan đến việc cung cấp thông tin báo chí, tại buổi gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí ngày 7/1 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua các cơ quan báo chí, lãnh đạo thành phố lắng nghe ý kiến người dân, làm cơ sở để hoạch định chủ trương, chính sách, giúp Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố có thông tin để chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp thu, giải quyết. Báo chí còn là lăng kính để thành phố đánh giá kết quả công việc, cái gì được để tiếp tục phát huy, cái gì còn hạn chế để khắc phục.

Bí thư Vương Đình Huệ cũng khẳng định, không chỉ mong muốn được chia sẻ, hợp tác của các cơ quan báo chí ngày càng sâu sắc, hiệu quả hơn, thành phố Hà Nội đã và đang có những việc làm cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp thông tin cho báo chí. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã có văn bản giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổ chức họp báo định kỳ và phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.

"Tinh thần chung của thành phố là công khai, minh bạch, cởi mở với báo chí. Lãnh đạo thành phố rất muốn gặp báo chí, tạo mọi điều kiện cho báo chí hoạt động. UBND thành phố, các cấp, các ngành phải quán triệt tinh thần đó, không có hạn chế gì đối với thông tin báo chí'', Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trước vấn đề trên, thiết nghĩ, Thành ủy và UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo và quán triệt chặt chẽ hơn đến lãnh đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định cung cấp thông tin, trả lời báo chí theo quy định. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ là công khai, minh bạch, cởi mở và không có hạn chế gì đối với việc cung cấp thông tin đúng quy định cho báo chí.

Xuân Tường - Văn Thành Nhân
Phiên bản di động