Nhậu tới bến thì cần 1-2 ngày mới thải hết cồn

Rượu vào cơ thể được chuyển hóa qua gan, thận, nếu uống một lượng nhỏ cơ thể có thể tự thải độc. Khi cồn xuất hiện trong máu nghĩa là đã vượt ngưỡng thải độc của cơ thể, dù chưa ảnh hưởng đến hành vi bên ngoài thì nó vẫn có tác động nhất định đến hệ thần kinh trung ương.
Hà Nội: 5 ngày 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn Bộ Y tế thông tin về việc ăn hoa quả thổi ra nồng độ cồn Nhiều tài xế gọi điện nhờ vả khi vi phạm độ cồn

Là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành ở phía Bắc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) là nơi tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông nặng được chuyển từ tuyến dưới lên. Trong số đó có không ít bệnh nhân liên quan đến rượu, bia.

BS Bùi Trung Nghĩa, bác sĩ trực cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết tại khoa Cấp cứu, tất cả những trường hợp bị tai nạn giao thông vào viện đều được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Trước đây cứ 10 ca tai nạn giao thông vào nhập viện thì có đến 6-7 trường hợp có nồng độ cồn. Hiện này con số này giảm đi một chút 3-4 ca trên 10 bệnh nhân.

Bệnh nhân nam 44 tuổi, ở Hà Nội đang điều trị tại khoa Ngoại thần kinh 1, Bệnh viện Việt Đức do tai nạn liên quan đến rượu bia.

Những người vào viện đã có rượu bia thì tri giác của họ bị ảnh hưởng, kéo theo ảnh hưởng đến quá trình thăm khám của bác sĩ. Những trường hợp này tiềm tàng nguy cơ bỏ sót tổn thương, diễn biến nặng mà không biết. Bệnh nhân nếu tỉnh tự nhiên đau đầu thông báo bác sĩ kịp thời. Trong khi người say rượu nằm một chỗ, bác sĩ không biết được tri giác bệnh nhân tăng lên hay giảm đi, diễn biến xấu không biết đến lúc phát hiện thì đã muộn.

Theo bác sĩ Nghĩa, về lý thuyết, khi đã có nồng độ cồn trong máu sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh ở một mức độ nào đấy. Mức độ chịu đựng của con người đến đâu tuỳ từng người, có người uống cả lít không sao, vẫn tỉnh táo bình thường. Có người uống một chén là say.

Say là một trạng thái của ngộ độc rượu. Khi rượu được uống vào cơ thể, nó hấp thu qua niêm mạc dạ dày, ruột, từ đó cồn đi vào tuần hoàn chung và được chuyển hóa ở gan và thận. Trong gan có men để tiêu hóa rượu, chức năng thận tốt thì lọc được rượu tốt. Toàn bộ cồn sẽ được thải ra ngoài qua đường mật và đường nước tiểu.

“Giống như ngưỡng đau thì ngưỡng say của mỗi người khác nhau. Nhưng về lý thuyết khi có cồn trong máu thì dù ảnh hưởng đến hành vi bên ngoài hay chưa thì nó vẫn có tác động nhất định đến hệ thần kinh trung ương, đến cơ thể. Mức độ ảnh hưởng như thế nào sẽ tuỳ từng người”, BS Nghĩa phân tích.

Với những tình huống đi xe chậm giống như người đi bộ thì rủi ro thấp. Phạt nặng người đi ô tô vì họ di chuyển với tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Khi xảy ra tình huống bất ngờ, phản ứng phản xạ của cơ thể của người uống rượu bia sẽ chậm đi so với người không có nồng độ cồn.

Anh C, 36 tuổi, ở Bắc Giang, uống rượu say tự ngã khi trên đường về nhà vào buổi tối nhập viện ngày 2/1.

Ví dụ một người lái xe ô tô, đang đi, nếu tỉnh táo có người chạy ngang qua thì họ có thể xử lý kịp nhưng nếu có rượu, phản xạ chậm, mắt chậm đi 1/10 giây, chân chậm đi 1/10 giây là tai nạn đã xảy ra.

BS Nghĩa cho biết không thể đưa ra một con số khuyến cáo cho bất kỳ ai theo kiểu uống bao nhiêu thì không thể điều khiển hành vi... Với một lượng nhỏ thì uống vào bao nhiêu gan, thận thải ra hết hoặc dành đủ thời gian cho gan, thận thải độc. Khi cồn xuất hiện trong máu nghĩa là nó đã vượt quá ngưỡng thải độc của cơ thể.

“Hôm nay khỏe bạn có thể uống một lít rượu, bia mà không say, nhưng mai bạn bị cúm, ngày kia vừa khỏi dậy người đang yếu hoặc bị viêm gan, chức năng gan kém thì uống nửa cốc cũng say. Hôm nay uống thế này có thể không say nhưng mai anh uống như thế có thể say. Và cũng không ai có thể vỗ ngực nói ‘Tôi uống không say’ vì bản chất rượu bia là say”, BS Nghĩa nói.

Về lý thuyết, tính trung bình nếu uống một đơn vị rượu cơ thể một người thanh niên khỏe mạnh mất 3-6 giờ tiêu hoá hết. Nếu nhậu tới bến thì phải tối thiểu 1-2 ngày mới có thể thải hết nồng độ cồn trong máu. Tuy nhiên, BS Nghĩa nhấn mạnh đây chỉ là con số ước đoán.

Một đơn vị cồn = 10g cồn nguyên chất tương đương 220ml bia (2/3 chai) nồng độ cồn 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%.

Phương pháp chính xác nhất để biết một người có nồng độ cồn hay không là xét nghiệm máu.

Đo hơi thở là test định tính, độ nhạy thì cao nhưng độ đặc hiệu không cao. Cồn cũng được bài tiết qua phổi. Khi nồng độ cồn có trong máu thì phải chờ thời gian cơ thể chuyển hóa hết. Việc thổi, súc miệng không có tác dụng vì khi đã có cồn trong máu, phổi thải hết lượng cồn này thì máu lại cung cấp thêm cồn cho phổi.

Công thức tính nồng độ cồn trong máu

Các bạn có thể tham khảo cách tính nồng độ cồn bằng công thức:

Nồng độ cồn trong máu: C = 1,056 x A:(10 x W x R)=

Trong đó: A là số đơn vị cồn uống vào, W là cân nặng, R là hằng số hấp thụ rượu theo giới tính (r = 0,7 với nam và r = 0,6 với nữ).

Nồng độ cồn trong khí thở: B = C:210

Tốc độ đào thải nồng độ cồn trong máu: T= C:0,015

Ví dụ: Một nam giới 65 kg uống 440ml bia 5% cồn tương đương 2 đơn vị cồn thì nồng độ cồn trong máu là C= 1,056x20:(10x65x0,7)= 0,04641 và tương đương 46,41mg/100ml máu.

Nồng độ cồn trong khí thở: B=C:210= 46,41:210=0,22mg/lít khí thở.

Tốc độ đào thải nồng độ cồn trong máu: T=C:0,015 = 0,04641:0,015=3 giờ.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động