Nguy cơ thất thoát hơn 100 tỷ đồng: Công ty CP Hanel giải trình thế nào?

Công ty CP Hanel đã giải trình về khoản nợ khó đòi lên tới gần 103 tỷ đồng tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G.
Nguy cơ thất thoát hơn 100 tỷ đồng tại Công ty CP Hanel

Như chúng tôi đã thông tin, Công ty CP Hanel vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán với tình hình kinh doanh có dấu hiệu đi xuống trong năm 2019.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính hợp nhất không chỉ cho thấy tình hình không mấy khả quan của Công ty CP Hanel mà còn chỉ ra nguy cơ mất số tiền hàng trăm tỷ đồng tại doanh nghiệp này.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2019, Công ty CP Hanel ghi nhận công nợ phải thu với Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G số tiền gần 103 tỷ đồng (bao gồm khoản gốc đặt cọc là 86,7 tỷ đồng và khoản lãi dự thu là 16,1 tỷ đồng); số nợ này chưa được công ty ghi nhận khoản lãi chậm thanh toán cho giai đoạn từ 28/6/2017 - 31/12/2019 do khoản nợ phải thu này đã quá hạn thanh toán nhiều năm. Hiện khoản nợ này vẫn chưa chắc chắn về khả năng thu hồi.

nguy co that thoat hon 100 ty dong cong ty cp hanel giai trinh the nao
Công ty CP Hanel có khoản nợ khó đòi lên tới gần 103 tỷ đồng tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G.

Theo Thư xác nhận công nợ ngày 30/6/2019 được ký bởi Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G thì công ty này chỉ xác nhận tiền gốc đã nhận từ Công ty CP Hanel là 80 tỷ đồng, chênh lệch giảm so với số công ty đang theo dõi là 22,9 tỷ đồng (giá trị này đã ghi tăng phần vốn Nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần).

Hiện tại hai bên vẫn chưa thống nhất được số liệu đối chiếu. Tại ngày 31/12/2019, các khoản công nợ trên đã quá hạn thanh toán, Công ty CP Hanel đang tiếp tục làm việc với Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G để thống nhất kế hoạch trả nợ, Công ty CP Hanel chưa trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi này.

Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán VACO nhấn mạnh, khoản nợ này đã quá hạn thanh toán nhưng chưa được Công ty CP Hanel đánh giá việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, ước tính giá trị khoảng 78,92 tỷ đồng. Như vậy, nếu không thể thu hồi thì đây sẽ là khoản thất thoát lớn cho Công ty CP Hanel và người chịu ảnh hưởng lớn nhất là cổ đông nhà nước của doanh nghiệp.

Liên quan đến khoản nợ này, trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty CP Hanel cho biết, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G và công ty này đã ký biên bản xác nhận và xử lý nợ ngày 31/5/2017 với số công nợ gốc và lãi tạm tính đến ngày 31/5/2017 là 102,9 tỷ đồng. Nội dung này đã được Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G thông qua tại cuộc họp cùng ngày.

Sau đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G tiếp tục xác nhận số nợ theo số phát sinh tương ứng tại các thời điểm 31/12/2017, 30/6/2018. Tuy nhiên, kể từ thời điểm 31/12/2018 đến nay, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G bắt đầu có ý kiến trái ngược, mâu thuẫn về công nợ so với các văn bản hồ sơ đã ký trước đó.

Theo Công ty CP Hanel, ngày 7/11/2019, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G gửi tới công ty công văn có nội dung về kế hoạch trả nợ trong quý 4/2019 và năm 2020. Tiếp đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G gửi tới Công ty CP Hanel công văn khẳng định về kế hoạch trả nợ trên.

Tuy nhiên, kế hoạch trả nợ này chưa phù hợp với yêu cẩu của Công ty CP Hanel. Đến thời điểm hiện tại, hai bên vẫn tiếp tục thảo luận và thương thảo. Công ty CP Hanel yêu cầu Công ty CP Đầu tư và Phát triển N&G xác nhận công nợ tại thời điểm ngày 31/12/2019 và đưa ra kế hoạch trả nợ phù hợp, khả thi.

"Công ty đã báo cáo những nội dung liên quan đến chủ sở hữu chính là UBND TP Hà Nội. Trong thời gian tới, trường hợp không thống nhất được phương án xử lý, công ty sẽ thực hiện thủ tục gửi cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của doanh nghiệp'', Công ty CP Hanel cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tiền thân của Công ty Cổ phần Hanel là Công ty Điện tử Hà Nội thành lập năm 1984 và được phê duyệt cổ phần hóa vào năm 2015. Hiện công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh doanh thương mại, đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng công nghệ cao, bất động sản, khu công nghiệp…

Công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 4/2016 với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ mua 3,9 triệu cổ phiếu trong tổng số đăng ký bán 19,1 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ thành công 20%.

Sau đó, đến tháng 5/2016, Công ty Hanel mang 117,5 triệu cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nhưng không thành công. Vào tháng 6/2017, công ty chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 1.926 tỷ đồng tương ứng 192,6 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, trong đó, cổ đồng Nhà nước (UBND TP Hà Nội) vẫn còn nắm giữ 97,93% vốn điều lệ.

Văn Huy
Phiên bản di động