Ngủ gật, hiểm hoạ tiềm ẩn khi lái xe

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, những vụ tai nạn giao thông liên quan tới giấc ngủ chiếm tới 30% tổng các vụ giao thông trong một năm. Chỉ trong năm 2019, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do tài xế ngủ gật .
Tài xế xe container đâm hàng loạt cột mốc, lao xuống ruộng Tài xế ngủ gật khiến xe lao thẳng vào dải phân cách Hà Nội: Tài xế ngủ gật tông vỡ thành cầu Chương Dương

Có thể kể đến vụ tai nạn xảy ra vào 14h ngày 21/1. Tài xế xe tải mệt mỏi và ngủ gật khi lái xe đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang khiến 8 người tử vong tỉnh Hải Dương hay vụ tai nạn tại Quảng Nam lúc 2h30 sáng ngày 30/7 khi xe khách 16 chỗ trên đường đi rước dâu thì va chạm với xe container khiến 13 người tử vong.

Trên thực tế, nghiên cứu chuyên sâu từ Hiệp hội An toàn giao thông AAA của Hoa Kỳ cho rằng việc lái xe khi ít ngủ hơn 5 tiếng một ngày cũng nguy hiểm không khác gì uống rượu khi lái xe. Nghiên cứu cũng cho rằng khá khó khăn trong việc phát hiện buồn ngủ khi lái xe, khiến đây trở thành vấn đề an toàn giao thông cấp bách hiện nay.

Ngủ gật, hiểm hoạ tiềm ẩn khi lái xe
Số liệu thống kê về tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ khi lái xe. Ảnh BVOT

Do đó, các chuyên gia cho rằng cần tăng số lượng và nâng cao chất lượng trạm dừng chân vì an toàn giao thông. Từ đầu năm đến nay, Cục quản lý đường bộ IV đã phối hợp với cảnh sát giao thông đã ghi hình, xử lý gần 1.000 trường hợp tài xế vi phạm. Tuy nhiên, rõ ràng thực tế hiện nay là những điểm dừng chân cho xe tải, đặc biệt xe container là còn quá ít so với nhu cầu thực tế.

Nhiều tài xế, đặc biệt xe tải và container đã phải dừng xe, ngủ trên đường cao tốc. Trong các chuyến xe đường dài, chạy đêm thực tế chỉ có 1 tài xế “chạy ráng” thay vì cần sử dụng 2 tài xế luân phiên nhau.

Ngủ gật, hiểm hoạ tiềm ẩn khi lái xe
Các dấu hiệu mệt mỏi khi lái xe. Ảnh BVOT

Theo Hội Đồng An Toàn Quốc Gia Mỹ (National Safety Council) khoảng 13% tài xế thừa nhận tình trạng ngủ gật sau tay lái ít nhất mỗi lần 1 tháng và 4% đã gây tai nạn do ngủ gật. Trong đó, các khung giờ dễ ngủ gật nhất là từ 2h đến 6h sáng và từ 14h đến 16h chiều.

Để giảm nguy cơ tai nạn do tài xế buồn ngủ, “Ngày hội chăm sóc bác tài” (Driver Care Day) do Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, Michelin và Bệnh viện Ôtô đồng tổ chức với thông điệp “Lái muôn nơi không vơi năng lượng” (Driver Reviver) đã được tổ chức tại Hà Nội và TP HCM để chia sẻ thông tin hữu ích cho các tài xế, đặc biệt là tài xế xe tải đồng thời đội ngũ bác sỹ của ứng dụng VOV Bacsi24 tư vấn trực tuyến sức khỏe miễn phí. Các tài xế cũng được kiểm tra sức khỏe miễn phí và được tư vấn hướng dẫn xử lý cơ bản khi gặp dấu hiệu đột quỵ và các bệnh liên quan đến công việc lái xe.

Ngủ gật, hiểm hoạ tiềm ẩn khi lái xe
Giải pháp giảm mệt mỏi khi lái xe. Ảnh BVOT

Qua 4 năm triển khai chuỗi sự kiện Ngày hội chăm sóc bác tài với tư cách là đơn vị tổ chức, đại diện công ty Bệnh viện Ôtô , ông Trần Hồng Ninh cho biết “Hiện nay, cộng đồng đang tuyên truyền rất tích cực về sự nguy hiểm của việc uống bia rượu khi lái xe nhưng đa số thường gặp ở xe máy và xe du lịch. Còn riêng đối với loại hình xe khách, xe tải, xe container thì mối nguy hiểm rất phổ biến lại đến từ tình trạng mệt mỏi và thiếu ngủ người lái xe. Giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này sẽ đến từ việc xây dựng hệ thống trạm dừng chân đảm bảo về số lượng và chất lượng trên phạm vi toàn quốc”.

Theo Lao Động
Phiên bản di động