Nghịch lý giá xăng giảm nhưng giá thực phẩm vẫn tăng cao

Trong ba kỳ điểu chỉnh gần đây, giá xăng dầu trong nước liên tiếp giảm sâu với tổng mức giảm gần 7.000 đồng. Tuy nhiên, trái ngược với giá xăng dầu, giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh tại các chợ truyền thống vẫn giữ ở mức cao khiến người dân bức xúc.
Giảm tới 3.600 đồng, giá xăng về mốc 26.000 đồng/lít Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít từ 0h ngày 11/7 Triển khai ngay Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn

“Đỏ mắt” ngóng giá thực phẩm giảm theo xăng

Kể từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng trong nước đã liên tiếp hạ 3 lần với tổng mức giảm gần 7.000 đồng. Với mức giá xăng nhập vẫn thấp như hiện nay, giá xăng trong nước có khả năng hướng đến lần giảm thứ 4 liên tiếp.

Tuy nhiên, trái ngược với giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, giá các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá các loại, rau củ quả... tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn ở mức cao khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Ghi nhận của phóng viên tại chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho thấy, giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ vẫn ở mức cao. Các tiểu thương cho rằng, do chi phí vận chuyển vẫn tăng cao, đồng thời nguồn cung bị hạn chế nên giá thực phẩm, rau xanh vẫn “đứng im” so với thời điểm giá xăng tăng cao.

Nghịch lý giá xăng giảm nhưng giá thực phẩm vẫn tăng cao
Hiện giá các mặt hàng rau xanh vẫn đang ở mức cao

Chị Trương Thu Hà, người dân tại phường Thành Công, Ba Đình (Hà Nội) cho biết: "Giá thực phẩm rau xanh tại chợ tăng “chóng mặt” khiến cho người dân chúng tôi lâm vào cảnh khó khăn. Nếu như thời điểm giá xăng dầu tăng cao, giá thực phẩm sẽ nhanh chóng được nâng lên theo giá xăng. Tuy nhiên đến nay, sau ba lần điều chỉnh giảm liên tiếp, giá thực phẩm, rau xanh vẫn đứng im. Điều này khiến người dân như chúng tôi cảm thấy mình đang bị móc túi”.

Hiện tại, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống từ 110.000 - 130.000 đồng/kg tùy loại; Cá có giá từ 55.000 - 70.000 đồng/kg, tùy loại; Thịt gà 110.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại; Rau muống có giá 10.000 đồng/mớ; rau ngót có giá 8.000 đồng/ mớ; Mùng tơi có giá 10.000 đồng/ mớ; Rau xà lách có giá 60.000 đồng/kg, các loại cà chua, hành vẫn ở mức 30.000 - 50.000 đồng/kg.

Đặc biệt, giá trứng gà công nghiệp loại 1 bán tại nhiều chợ hiện từ 44.000-50.000 đồng/hộp 10 trứng; Giá trứng gà ta 57.000 đồng/chục; Giá trứng vịt 45.000-50.000 đồng/chục.

Nhiều tiểu thương, doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa điều chỉnh giá vì còn nghe ngóng tình hình và còn nhiều yếu tố khác.

Cần đảm bảo bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu giảm sâu có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Bởi đây là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời góp phần làm giảm giá nguyên liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển. Qua đó, sẽ góp phần làm giảm giá thành các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang leo thang từng ngày.

Tuy nhiên, trái với mong đợi của người tiêu dùng, trên thị trường hiện nay đang có một nghịch lý, đó là khi giá xăng tăng, hàng hóa đồng loạt tăng giá theo nhưng khi xăng giảm thì giá hàng hóa vẫn đang tiếp tục leo thang, ''cố thủ'' ở mức cao.

Nghịch lý giá xăng giảm nhưng giá thực phẩm vẫn tăng cao
Mặc dù giá xăng đã giảm song giá hàng hóa vẫn đang tiếp tục leo thang, ''cố thủ'' ở mức cao

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, những cơ hội từ việc giảm giá xăng dầu dẫn đến giảm giá các mặt hàng khác chỉ là tiềm năng chứ không có mối quan hệ trực tiếp.

Bởi cơ quan chức năng chưa có biện pháp để chuyển những động thái giảm giá xăng dầu vào việc giảm giá các mặt hàng khác. Tất cả đều do thị trường của các doanh nghiệp cung ứng hay các hộ kinh doanh cung ứng mặt hàng này trên thị trường quyết định.

“Tâm lý của người kinh doanh bao giờ cũng giữ giá. Trong khi giá không phải do Nhà nước quy định, mà là sự thỏa thuận giữa người bán và người mua. Nên khi người tiêu dùng không có phản ứng thì chắc chắn người bán hàng sẽ không tự động giảm. Khi khách hàng không chấp nhận được thì buộc người bán giảm”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Việc điều chỉnh giảm giá không thể thực hiện trong một sớm một chiều, bởi thực tế khi giá đầu vào tăng, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh và mất một khoảng thời gian nhất định giá mới ra đến thị trường. Có thể giá xăng dầu phải giảm 1 - 2 tháng, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường.

Mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhưng phía nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hóa vẫn đang nghe ngóng, cân nhắc, còn đang nghi ngại liệu giá xăng có giảm ở mức bền vững không. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp ngay từ đầu. Cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá, bao gồm giá xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục.

Giảm tới 3.600 đồng, giá xăng về mốc 26.000 đồng/lít Giảm tới 3.600 đồng, giá xăng về mốc 26.000 đồng/lít
Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít từ 0h ngày 11/7 Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít từ 0h ngày 11/7
Triển khai ngay Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn Triển khai ngay Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn
Phiên bản di động