Ngành Giáo dục Thủ đô đổi mới và nâng tầm chất lượng

Song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, trong những năm qua, nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, thành phố, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.
Nền tảng để Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững Vinh danh cán bộ Hội tiêu biểu và thanh niên sống đẹp Gửi trọn niềm tin và kỳ vọng tới Đại hội
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại lễ sơ kết việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội đồng khảo thí Giáo dục Quốc tế ĐH
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại lễ sơ kết việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội đồng khảo thí Giáo dục Quốc tế ĐH Cambridge, Hội đồng khảo thí tiếng Anh ĐH Cambridge và Nhà xuất bản ĐH Cambridge

Quả ngọt từ chủ trương đúng đắn

Từ những chủ trương đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các cấp chính quyền, ngành GD&ĐT Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, tạo được những chuyển biến tích cực mới, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Cụ thể, thành phố Hà Nội tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục với 144 giải cấp thành phố, 338 giải cấp quốc gia; có số bài thi đạt điểm 10 nhiều nhất; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,17%, tăng 2,99% so với năm trước...

Hà Nội triển khai cơ chế giao quyền tự chủ gắn với xây dựng trường chất lượng cao ở các cấp học; thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng, nhất là khu vực nội thành và các khu vực đô thị hóa nhanh. Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại; Hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Ngành Giáo dục Thủ đô đổi mới và nâng tầm chất lượng
Hà Nội: Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn giữ vững và có nhiều khởi sắc…

Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có bước phát triển. Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng phát triển nhân lực trình độ, kỹ năng cao và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,14% năm 2015 lên 70,2% năm 2020; Tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%; Chủ động hợp tác quốc tế, xây dựng và chuẩn hóa khung chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của khu vực và quốc tế; Khuyến khích và hợp tác với các doanh nghiệptrong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hà Nội dẫn đầu trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia và quốc tế.

Bước sang năm học 2020 - 2021, quy mô của ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ với 2.800 cơ sở giáo dục, hơn 2,1 triệu học sinh, tăng gần 68.000 học sinh so với năm học 2019-2020. Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng không ngừng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo quy hoạch mạng lưới trường lớp. Năm học này, TP Hà Nội có thêm 44 trường mới. Thành phố đã cấp 804.733 triệu đồng mua sắm trang, thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới. Nhờ việc quan tâm đầu tư cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng nên hiện tỷ lệ trẻ mầm non trên địa bàn Hà Nội ăn bán trú đã tăng lên 99%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 0,5%. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ trẻ 6 tuổi đi học đạt 100%, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt hơn 90%.

Đặc biệt, xác định việc phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, trong những năm qua, số trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội có bước phát triển đáng kể. Kết thúc năm học 2019-2020, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố đạt 71,6%, đạt và vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết số 05 ngày 5/4/2012 của HĐND thành phố đề ra.

Chất lượng Giáo dục Hà Nội luôn được đánh giá cao
Chất lượng Giáo dục Hà Nội luôn được đánh giá cao

Toàn thành phố hiện có 1.578 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây là các trường hội tụ đủ 5 tiêu chí trường chuẩn quốc gia về các mặt: Tổ chức, quản lý; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả.

Bên cạnh việc chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng đội ngũ giáo viên vững chuyên môn, chuẩn phong cách.

Một trong điểm đáng chú ý của năm học này là việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học. Lần đầu tiên, các thầy, cô giáo bậc tiểu học được giao quyền nghiên cứu, thành lập hội đồng nhà trường để đưa ra lựa chọn sách giáo khoa mới phù hợp nhất với thực tế giảng dạy của trường.

Quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Thủ đô ngày càng hoàn thiện với hơn 150.000 người, trong đó 100% giáo viên đều đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo và kỹ năng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Hoạt động quản lý giáo dục,dạy học, tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục, thí điểm đào tạo chương trình song bằng quốc tế cho học sinh phổ thông.

Trên nền tảng cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn và kỹ năng vững vàng, chất lượng giáo dục ở các nhà trường có sự khởi sắc rõ nét; khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường học ở các địa bàn dần ngắn lại.

Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học. Tuy nhiên, từ trong gian khó, giáo dục Thủ đô cũng thể hiện sự trưởng thành của mình khi lần đầu tiên việc dạy và học trực tuyến được triển khai đồng bộ và mang lại những kết quả tích cực. Hà Nội đã triển khai ba phương thức dạy cho học sinh là dạy trên truyền hình, internet và dạy qua phần mềm Hà Nội study. Kết quả cho thấy, 100% số học sinh tham gia học trên truyền hình; 95% - 98% tham gia học trực tuyến trên internet. Ðối với giáo viên, 100% có thể dạy học trực tuyến.

Hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới

Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội có nêu rõ mục tiêu Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2025 xây dựng, phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Năm 2030 trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Đến năm 2045, Hà Nội là Thủ đô của một nước phát triển, có thu nhập cao; có kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững;người dân Thủ đô có chất lượng cuộc sống cao; là Thủ đô phát triển tương đương với thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và có tầm quốc tế.

Để thực hiện được mục tiêu đó, GD&ĐT Thủ đô cần có sự đổi mới toàn diện, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

5244 vat ly
Học sinh Hà Nội đại diện cho Việt Nam góp mặt trong nhiều cuộc thi quốc tế và giành được kết quả cao

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Bên cạnh việc rà soát, chuẩn hóa đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cả về số lượng, chất lượng, thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục tăng cường nề nếp quản lý, chỉ đạo, điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý.

Đặc biệt, công tác chuẩn hóa, số hóa, đồng bộ dữ liệu, cập nhật, khai thác hiệu quả thư viện bài giảng, đề kiểm tra minh họa trực tuyến... cũng đặc biệt được chú trọng. Công tác tài chính, thực hiện quy chế dân chủ, kiểm tra nội bộ trong trường học sẽ được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Công tác thi, tuyển sinh đầu cấp, phân tuyến tuyển sinh hợp lý nhằm hạn chế số học sinh trái tuyến, giảm sĩ số học sinh/lớp.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh, toàn ngành sẽ nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế, triển khai thực hiện tốt chương trình thí điểm đào tạo song bằng trong trường phổ thông và các cuộc thi quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn tại các trường chuyên, trường chất lượng cao, góp phần tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là một trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng; khuyến khích liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín. Thúc đẩy đổi mới cơ chế và mô hình quản lý, quản trị nhà trường, vận hành các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trường chất lượng cao ở tất cả các bậc học, cấp học; Tập trung phát triển hệ thống trường chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học; kết hợp đào tạo năng lực nhận thức, tư duy sáng tạo với giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội của người học…”.

PV
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động