Ngân hàng không gây áp lực cho nhân viên, cấm “ép” khách hàng mua bảo hiểm

Các ngân hàng phải rà soát, cập nhật các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI) để không gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh, không để xảy ra trường hợp “ép” khách hàng mua bảo hiểm...
Thanh tra cả ngân hàng và công ty bảo hiểm để đảm bảo lợi ích của người dân Bộ Tài chính thanh tra 4 công ty về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng Ngân hàng Nhà nước công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin “ép” mua bảo hiểm

Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức Hội nghị về hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn đánh giá, những năm gần đây, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã trở thành xu hướng nhờ tính thuận tiện, hiệu quả và lợi ích mang lại cho tất cả các bên tham gia. Việc triển khai thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không chỉ mang lại những lợi ích về mặt kinh tế cho ngân hàng mà còn giúp đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu, nâng cao trải nghiệm sử dụng các dịch vụ/sản phẩm tài chính của khách hàng, hỗ trợ xây dựng nền tảng khách hàng trung thành…

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thường xuyên có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, gần đây, một số phương tiện truyền thông đại chúng có phản ánh về việc tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm.

Trước thông tin này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn bộ hệ thống, không để xảy ra trường hợp “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm…

Ngân hàng không gây áp lực cho nhân viên, cấm “ép” khách hàng mua bảo hiểm
Hội nghị về hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng, diễn ra ngày 24/2.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Nhằm góp phần đảm bảo hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng được thực hiện an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật, mang đến giá trị gia tăng cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác về hoạt động đại lý bảo hiểm.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm... đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống để phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi “ép”, gắn việc mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải tiếp tục rà soát, cập nhật các văn bản quy định nội bộ về hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ pháp luật, trong đó quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng, cập nhật các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI) để không gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh, không để xảy ra trường hợp “ép” khách hàng mua bảo hiểm;

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng cường, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với các cán bộ tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm; trong đó đặc biệt lưu ý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm.

Đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị chức năng khi tiếp nhận (qua đường dây nóng) phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm, tiến hành phân loại, xử lý và chuyển tới Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi xảy ra để giải quyết theo đúng quy định.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tiếp nhận, xác minh thông tin do người dân, doanh, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vi phạm cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng.

Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) để xử lý vi phạm theo quy định pháp luật và định kỳ tổng hợp thông tin vi phạm liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Phó Thống đốc cũng yêu cầu, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng; lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hàng năm.

Hậu Lộc
Phiên bản di động