Ngân hàng BIDV đạt chuẩn Basel II

Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa được Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng tiêu chuẩn Basel II trước thời hạn.
BIDV công bố cổ đông chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank Nợ có khả năng mất vốn của BIDV ở mức cao

Ngày 11/12, Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV, mã CK: BID) phát đi thông tin cho biết, ngày 29/11/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2505/QĐ-NHNN chấp thuận cho nhà băng này triển khai áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN kể từ ngày 1/12/2019, trước thời hạn hiệu lực của Thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Nhà băng cho biết, đơn vị là 1 trong 10 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn triển khai thí điểm Basel II nên luôn thể hiện rõ quyết tâm triển khai áp dụng các chuẩn mực Basel. Từ năm 2015, ngân hàng đã thuê tư vấn phân tích chênh lệch và xây dựng lộ trình triển khai Basel.

"Được Ngân hàng Nhà nước công nhận hoàn thành sớm Basel II, BIDV tiếp tục khẳng định là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam về quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ, và quản trị rủi ro theo thông lệ'', thông báo của ngân hàng cho biết.

ngan hang bidv dat chuan basel ii
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Như vậy, đến thời điểm này trong nhóm 4 ngân hàng lớn nhất mới chỉ có BIDV và VietcomBank đáp ứng được Basel II, còn Agribank và VietinBank vẫn đang loay hoay vì thiếu vốn, trong đó trường hợp của VietinBank để được chấp thuận trước ngày 1/1/2020 như Thông tư 41 quy định là rất khó, bởi lẽ nhà băng này đang cạn kiệt con đường tăng vốn.

Được biết, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Basel II là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ít nhất là 8%. Và để làm được có 2 cách là giảm tổng tài sản rủi ro, cách này không phải là phương thức chủ đạo có thể giải quyết vấn đề của ngân hàng, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức 2 con số và tăng vốn tự có thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược, cho cổ đông hiện hữu hoặc chia cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính quý 3/2019, trong 9 tháng năm nay, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt 34.258 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng chi phí hoạt động ở mức 10.729 tỷ đồng, giảm 4,6%, tương đương giảm hơn 500 tỷ đồng. Trong khi chi phí dự phòng của BIDV tăng 15% lên 16.502 tỷ đồng.

Kết quả, trong 9 tháng năm 2019, BIDV ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế đạt 5.645 tỷ đồng, giảm so với mức 5.816 tỷ đồng. Nếu trừ đi lợi ích của cổ đông thiếu số thì lợi nhuận còn lại của ngân hàng là 5.496 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo, tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của BIDV ở mức trên 1,42 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đạt trên 1,07 triệu tỷ đồng, tăng 8,6%. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,6% đạt hơn 1,08 triệu tỷ đồng.

Cũng tại ngày 30/9/2019, nợ xấu nội bảng của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm. Đáng chú ý, trong khi nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 giảm thì nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của BIDV tăng tới hơn 5.000 tỷ đồng, tương đương tăng 70% lên 12.194 tỷ đồng, cao nhất hệ thống ngân hàng. Chính vì thế, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV cũng tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 2,09% đến cuối tháng 9/2019.

Cũng theo báo cáo, tính đến cuối tháng 9/2019, vốn điều lệ của BIDV là 34.187 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước là 32.573 tỷ đồng (chiếm 95,28% vốn điều lệ) và phần vốn của các cổ đông khác là 1.614 tỷ đồng (tương đương chiếm 4,72% vốn).

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và KEB Hana Bank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố đối tác Nhật Bản là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của ngân hàng.

Trên cơ sở chấp thuận của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, BIDV và KEB Hana Bank đã hoàn tất các thủ tục giao dịch và hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật hai nước để KEB Hana Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV.

Cụ thể, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Đây là giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam và là giao dịch kép. KEB Hana Bank đầu tư để sở hữu 15% cổ phần của BIDV với thời gian nắm giữ ít nhất 5 năm.

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động