Năm 2030, Bắc Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững. Đồng thời, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Bắc Giang: Thu nộp ngân sách hơn 1.488 tỷ đồng từ dự án ngoài khu, cụm công nghiệp Bắc Giang: Dự kiến tháng 3 sẽ khởi công xây dựng cầu Á Lữ Bắc Giang: Đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để bứt phá

Ngày 28/2, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 219/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại năm 2030

Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Bắc Giang bao gồm toàn tỉnh Bắc Giang với diện tích tự nhiên 389.589 ha.

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả.

Năm 2030, Bắc Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
Một góc khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện và thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.

Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 15 - 16%

Về kinh tế, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 15 - 16%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 17 - 18%/năm (công nghiệp tăng 18 - 19%/năm, xây dựng tăng 12 - 13%/năm); dịch vụ tăng 10 - 11%/năm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2 - 3%/năm.

Cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 66 - 67% (công nghiệp chiếm 60%); ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 6 - 7%; ngành dịch vụ chiếm 24 - 25% và thuế sản phẩm 2 - 3%.

GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế năm 2030 khoảng 50%.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 13%/năm, năm 2030 năng suất lao động bình quân đạt 475 triệu đồng/lao động.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 18%/năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng. Khách du lịch năm 2030 đạt trên 7,5 triệu lượt người.

Về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, Bắc Giang đặc mục tiêu chỉ số phát triển con người HDI đạt 0,85. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt trên 33%.

Số giường bệnh/vạn dân đạt trên 40 giường. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 - 1,5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt trên 90%, trong đó đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt khoảng 35 - 40%.

Về bảo vệ môi trường, tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 92%, tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý đạt trên 95%.

Năm 2030, Bắc Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
Bắc Giang sẽ đầu tư để hạ tầng giao thông phát triển cơ bản theo hướng đồng bộ, hiện đại

Ngoài ra, 100% các khu, cụm công nghiệp và đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường. Tỷ lệ độ che phủ rừng 37%.

Về không gian và kết cấu hạ tầng, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55 - 60%. Xây dựng, mở rộng thành phố Bắc Giang theo hướng thông minh, đạt đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, chính trị, dịch vụ của tỉnh.

Huyện Việt Yên, Hiệp Hòa trở thành thị xã; thị trấn Chũ mở rộng trở thành thị xã, thị trấn Vôi đạt đô thị loại IV. Có 8/9 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Hạ tầng đầu tư phát triển cơ bản theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao vận tải thông suốt, an toàn; điện đảm bảo tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo; hệ thống đê điều, hồ đập an toàn; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển.

Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quản lý về quốc phòng, an ninh; chủ động nắm chắc tình hình, không bị động, bất ngờ; thực hiện tốt phòng chống các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đảm bảo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Bắc Giang đặt ra các đột phá phát triển hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính, thu hút nhà đầu tư lớn, sản xuất công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động...vv.

Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, chuyển đổi số.

Phấn đấu đến năm 2050, Bắc Giang là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất với các khu, cụm công nghiệp tập trung, chuyên nghiệp.

Dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại, tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế; nông nghiệp sạch, chất lượng, hiệu quả, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội không ngừng được cải thiện; tạo dựng cho người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Vi Hải
Phiên bản di động