Năm 2022, khối lượng trái phiếu bất động sản không có tài sản bảo đảm tăng cao

Có khoảng 38% khối lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong năm 2022 không có tài sản bảo đảm, hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu.
Đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn khoảng 2 triệu tỷ đồng Khẩn trương trình Chính phủ nghị định sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước năm 2022 là 255.163 tỷ đồng.

Trong đó, giá trị phát hành của hầu hết tất cả các nhóm ngành trong năm 2022 đều sụt giảm so với năm 2021, riêng nhóm ngành nông nghiệp tăng nhẹ 4.3%.

Đặc biệt, phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm 80.8% so với năm 2021 trong bối cảnh xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi về mặt vĩ mô. Trong khi đó, mặc dù giảm khoảng 42% so với cùng kỳ, nhóm ngành Ngân hàng đã vươn lên dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 54% tổng giá trị phát hành của cả năm 2022.

Theo VBMA, có khoảng 38% khối lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong năm 2022 không có tài sản bảo đảm, hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu (tỷ lệ này tăng so với mức 29% trong năm 2021 bất chấp diễn biến giá cổ phiếu bất động sản không còn thuận lợi cho việc thế chấp).

Trong số các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trong năm 2022, doanh nghiệp không niêm yết chiếm 71,6%.

Năm 2022, khối lượng trái phiếu bất động sản không có tài sản bảo đảm tăng cao
Ảnh minh họa

Cũng trong năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm đa số khi thực hiện mua lại 91,799 tỷ đồng, tương đương 43.5% tổng giá trị mua lại. Xếp sau là nhóm bất động sản với 35,439 tỷ đồng, chiếm 16.8%. Hầu hết trái phiếu được mua lại sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024.

Mặc dù hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp diễn ra tích cực, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2 năm tới vẫn còn lớn với 650.319 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó có 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 360.500 tỷ đồng đáo hạn vào năm 2024.

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng khi trích dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 28/10/2022 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,87% trong tổng khối lượng phát hành; đứng thứ 2 trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% (451.159 tỷ đồng) trong tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại thời điểm 30/9/2022.

Trong 2 tháng cuối năm 2022, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó, 99,6% trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản có tài sản bảo đảm.

Trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp đã phát hành 1.350 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 500 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,6%).

Trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động