Mua vải thiều Thanh Hà trên sàn thương mại điện tử Lazada

Ngày 14/5, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương chính thức lên sàn thương mại điện tử Lazada.
Hải Dương sẽ tổ chức Lễ mở vườn thu hái vải xuất khẩu Hải Dương thành lập Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động tiêu thụ vải thiều

Theo đó, kể từ 0h00 ngày 14/5, vải thiều Thanh Hà sẽ được mở bán trong “Gian hàng tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ Chương trình Cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại” trên nền tảng Lazada với giá ưu đãi cùng chính sách hỗ trợ giao hàng hấp dẫn.

Bên cạnh đó, Lazada cũng sẽ triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm tới hàng triệu người tiêu dùng.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ là đơn vị đầu mối thu mua, vừa trực tiếp hỗ trợ hậu cần vận chuyển, kho lạnh, đóng gói đảm bảo quy cách để đưa sản phẩm tươi đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất.

Mua vải thiều Thanh Hà trên sàn thương mại điện tử Lazada
Vải thiều Thanh Hà của Hải Dương chính thức lên sàn thương mại điện tử Lazada.

Trước đó, ngay từ đầu tháng 4/2021, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã làm việc và hỗ trợ các sàn thương mại điện tử kết nối với các đơn vị sản xuất tại Hải Dương, liên kết với những doanh nghiệp thu mua với cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động quản lý chất lượng.

Trong đó, Lazada là đơn vị đầu tiên chính thức đưa vải thiều Thanh Hà lên nền tảng thương mại điện tử.

Theo đó, Lazada dự kiến sẽ phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP HCM để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này.

Sau vải Thanh Hà, Lazada sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại, các đối tác và địa phương khác để đưa thêm nhiều đặc sản Việt Nam lên nền tảng thương mại điện tử. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và mở thêm một kênh kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết việc đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử là một nỗ lực lớn của các bên. Cục đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống hậu cần (kho bãi) đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên nền tảng này.

Động thái trên giúp tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương.

"Hoạt động đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Cục trưởng chia sẻ.

Cũng theo ông Phú, việc đưa sản phẩm nông sản tươi và các sản phẩm nông sản có tiềm năng của các địa phương lên các sàn hương mại điện tử là phương thức bán hàng hỗ trợ đầu ra là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động