Một cá nhân bị phạt nặng do thao túng cổ phiếu Tập đoàn Thành Nam

Một cá nhân ở Hà Nội đã sử dụng 54 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TNI của Tập đoàn Thành Nam.
Chứng khoán VNDIRECT bị phạt vì cho vay margin trái phép cổ phiếu Thaiholdings Sàn HNX tháng 9/2022: Cổ phiếu nào đi ngược thị trường, tăng mạnh nhất?

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Ngọc Long (địa chỉ: Tổ dân phố số 4, Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) với số tiền 550 triệu đồng do có hành vi thao túng giá cổ phiếu.

Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Long đã sử dụng 54 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TNI của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Nam.

Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Long.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TNI đang thuộc diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bán niên 2022 của Tập đoàn Thành Nam âm 9,4 tỷ đồng. Thị giá cổ phiếu TNI cũng ở mức rất thấp, chốt phiên 25/10 với 2.650 đồng/đơn vị.

Một cá nhân bị phạt nặng do thao túng cổ phiếu Tập đoàn Thành Nam
Ảnh minh họa

Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã rất mạnh tay xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đặc biệt là vụ việc thao túng giá cổ phiếu của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings Đỗ Thành Nhân.

Theo khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 2, Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đã nhận diện 6 hành vi được xác định là thao túng trên thị trường chứng khoán.

Trong đó, một số hành vi được gọi là thao túng thị trường chứng khoán gồm: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo. Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

Thực tế cho thấy, hậu quả từ việc thao túng chứng khoán là rất lớn, nhưng mức xử phạt đối với hành vi này còn khá thấp. Theo quy định trước đây, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng. Quy định này được đánh giá là chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi, vì thế chưa đảm bảo được tính răn đe.

Nhằm tăng tính răn đe đối với hành vi thao túng chứng khoán, Luật Chứng khoán năm 2019 đã tăng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm. Đồng thời quy định này được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thao túng chứng khoán đã được tăng đáng kể. Các hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị xử phạt nặng theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP để xử phạt. Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm này là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Hậu Lộc
Phiên bản di động