Môi trường làng nghề chỉ thực sự cải thiện khi có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư

Một điều rất rõ ràng là môi trường làng nghề Hà Nội chỉ thực sự được cải thiện khi cộng đồng dân cư trong làng nghề nhận thức được sự cần thiết và có các hành động cụ thể tích cực góp phần từng bước giảm thiểu các tác động ô nhiễm do hoạt động sản xuất.
Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề Gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam Tiếp tục cảnh báo cháy sau khi “bà hỏa” ghé xưởng gỗ ở làng nghề Tân Hội

Nhiều làng nghề chấp nhận "sống chung" với ô nhiễm

Những năm qua, làm tăm hương đã trở thành nghề truyền thống, gắn liền với cuộc sống người dân vùng quê thôn Phương Nhị (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Nghề làm tăm hương phát triển, cuộc sống bà con thôn Phương Nhị không ngừng được cải thiện. Tệ nạn xã hội theo đó được đẩy lùi…

Rảo bước trên con đường bê tông liên thôn Ba Dư, Phương Nhị, Ngô Đồng… của xã Hồng Dương vào những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp những đống vầu, bọc tre. Tiếng máy cắt, máy chuốt tăm réo rắt từng hồi. Chốc chốc thứ âm thanh ấy lại tựa bản nhạc ngân lên giữa vùng quê Hồng Dương yên bình.

Ông Điểm (50 tuổi, ở thôn Phương Nhị) chia sẻ: "Làng chúng tôi chuyển sang làm máy hết rồi, năng suất hơn nhiều mà sạch sẽ lắm. Trước làm chẻ tay, ngày chỉ được 2 bó, còn giờ chẻ máy thì một ngày được hàng trăm bó tăm. Hơn nữa, nứa không phải ngâm nước, đỡ ô nhiễm môi trường. Chứ như cách làm thủ công ở làng nghề tăm hương Cầu Bầu thì phải ngâm nứa dưới nước vài tháng, khiến các mương nước đen kịt, bốc mùi lắm".

Môi trường làng nghề chỉ thực sự cải thiện khi có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư
Theo ông Điểm (50 tuổi, ở thôn Phương Nhị), việc chuyển sang làm máy không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giảm ô nhiễm

Theo thông tin ông Điểm cho biết, hiện thôn Phương Nhị không sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình mà sản xuất tập trung thành 7 xưởng sản xuất, mỗi xưởng khoảng 15 - 16 nhân công. Các sản phẩm của thôn Phương Nhị sản xuất chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ, tiêu chuẩn khắt khe nhưng giá thành cao hơn bán trong nước. Còn sản phẩm của làng nghề Cầu Bầu sản xuất thủ công, chủ yếu phục vụ bán trong nước.

Rõ ràng, cùng sản xuất một loại sản phẩm nhưng tư duy làm nghề của người dân ở hai làng nghề khác nhau, dẫn đến hiệu quả phát triển làng nghề cũng như hệ lụy ô nhiễm môi trường khác nhau.

Còn tại thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có trên 200 hộ dân lấy nghề thu gom, sơ chế rác thải làm nguồn thu nhập chính. Cùng với sự phát triển kinh tế, vấn nạn ô nhiễm môi trường đe dọa thường trực tới cuộc sống của người dân nơi đây.

rác thải nhựa xếp đống từ trong nhà, ngoài sân, ngõ xóm
Tại thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) rác thải nhựa xếp đống từ trong nhà, ngoài sân, ngõ xóm

"Ở thôn Xà Cầu chúng tôi, chỉ những người đau ốm mới không làm ra tiền. Còn lại từ già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể làm được, vì công việc hết sức đơn giản. Người khỏe thì đứng máy nghiền, máy xả nước, bốc hàng lên xuống xe cho thu nhập cao; còn người già, trẻ em thì phân loại, bóc nhãn mác, xúc chai lọ… mỗi ngày ít nhất cũng kiếm được trên 100.000 đồng...”, ông Lý Đinh Tuấn, một người dân sống tại đây chia sẻ.

Người dân đem đốt bỏ những thứ không thể tái chế được nữa, bầu không khí trong làng bị ảnh hưởng lớn từ mùi khét của nhựa. Ngoài ra, người dân trong làng còn bị tiếng ồn của những chiếc máy nghiền nhựa "tra tấn" suốt ngày. Thế nhưng, dường như, những người dân ở đây chấp nhận "sống chung" với sự ô nhiễm ấy.

Quy hoạch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Theo quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP. Hà Nội tầm nhìn đến năm 2030, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 56% số làng ở khu vực nông thôn. Với quy mô như vậy Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng các ngành nghề.

Chính sự phát triển của làng nghề nông thôn Hà Nội đã góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của khu vực do tận dụng được lao động nông nhàn và lao động thuộc mọi lứa tuổi trong sản xuất ở quy mô nhỏ để làm ra các sản phẩm phi nông nghiệp nhưng lại nằm trong vùng nông nghiệp. Thu nhập bình quân của một lao động làm nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất nông nghiệp (thuần nông).

Bên cạnh những kết quả đạt được hiện các làng nghề Hà Nội đang đối diện với những bài toán về bảo tồn, phát triển làng nghề, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.

Hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn. Tình trạng ô nhiễm môi trường tập trung vào các loại hình làng nghề đặc trưng như chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại, thủ công mỹ nghệ...

Những phế phẩm nhựa không thể tái chế được đốt bỏ, khiến không khí nơi đây bị ô nhiễm trầm trọng
Những phế phẩm nhựa không thể tái chế được đốt bỏ, khiến không khí nơi đây bị ô nhiễm trầm trọng

Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp cho biết, mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải.

Các cơ sở sản xuất trực tiếp trong các làng nghề chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, không có các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo quy định nên hầu hết chất thải độc hại được thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý.

Bên cạnh đó, do không nhận thức được tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường, chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, hóa chất độc hại nhằm hạ giá thành sản phẩm, làm chất lượng môi trường khu vực các làng nghề ngày càng xấu đi.

Để giải quyết tình trạng này thì việc quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp thu được hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch các làng nghề còn hạn chế về số lượng do thiếu sự đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chéo, phân định chưa rõ ràng.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, sự phát triển của làng nghề nếu không được quy hoạch, không được quan tâm một cách đầy đủ để có thể phát triển bền vững thì sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Do đó, cần thiết chúng ta phải có những quy hoạch, phải có những biện pháp bảo vệ môi trường nhằm phát triển làng nghề một cách bền vững và phải lựa chọn những loại hình nào phù hợp với quy mô làng nghề để đưa vào quy hoạch phát triển. Còn đối với những làng nghề không nằm trong quy hoạch và là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì cần có các biện pháp không cho phát triển cũng như nhân rộng.

Một trong những giải pháp đối với việc bảo tồn và phát triển các làng nghề được đặt ra đối với Hà Nội đó là phát triển làng nghề gắn với việc phát triển các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, việc này cần lồng ghép trong điều kiện sản phẩm OCOP này phải được sản xuất ở khu vực mà đảm bảo chất lượng môi trường, ổn định xã hội và phát triển bền vững.

Quan trọng hơn cả chính là việc tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và nhận thức rõ ràng hậu quả khôn lường của việc đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng những chính sách phù hợp với đặc thù của làng nghề và khuyến khích ưu đãi tài chính cho các hoạt động liên quan đến cải thiện môi trường làng nghề; Kêu gọi các nguồn hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, các quỹ bảo vệ môi trường cho việc đầu tư các công trình xử lý ô nhiễm và truyền thông môi trường.

Diệu Linh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động