Môi trường học đường hấp dẫn, trẻ sẽ không “lậm” internet

Áp lực học hành, những đòi hỏi, sự thiếu công nhận, thiếu quan tâm của cha mẹ, thầy cô...khiến các em tìm kiếm sự tương tác trong thế giới mạng.
17% học sinh, sinh viên Hàn Quốc "nghiện" Internet và smartphone Tôi cai nghiện Internet trong 9 ngày và vẫn nghiện lại

Tại hội thảo “Nghiện internet ở thanh thiếu niên Việt Nam - thực trạng và giải pháp” do phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức tại TP.HCM, các đại biểu đã mổ xẻ nguyên nhân, phản ứng của trẻ nghiện game khi bị ngăn cấm, giải pháp phòng ngừa và cai nghiện internet, nghiện game cho trẻ.

Bị cấm chơi game, đòi tự tử

Bà Trịnh Thị Bích Hằng - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở (THCS) Trần Quốc Toản (Q.9, TP.HCM) - nhận định: rất khó quản lý học sinh (HS) trong việc sử dụng internet, đặc biệt là khi các em ở nhà.

Bà dẫn chứng, từng có một HS lớp Tám của trường này bỏ học và đòi tự tử do bị cấm chơi game. Trước đó, T. (tên của HS trên) học rất tốt nhưng sau kỳ nghỉ tết thì dịch COVID-19 bùng phát, thời gian nghỉ học quá dài cộng với việc học online khiến em có điều kiện tiếp xúc rồi mê game lúc nào không hay. Đến khi T. đi học lại, phụ huynh đã tịch thu điện thoại vì nhận thấy con suốt ngày cắm đầu chơi game mà không tập trung học tập. T. đòi uống thuốc tự tử.

Ngăn con tìm đến cái chết lần thứ nhất, phụ huynh đã làm mọi cách để giám sát, thậm chí cắt cử người canh giữ hằng ngày nhưng vẫn không thể cắt cơn nghiện game của con.

Lần thứ hai, khi phụ huynh tịch thu điện thoại, T. đòi nhảy lầu và bỏ học. Khi phụ huynh bất lực, giáo viên chủ nhiệm và các bạn cùng lớp đã nhiều lần đến tận nhà gặp T. để trao đổi, nhưng T. nhất quyết xin nghỉ hết năm học, năm sau sẽ đi học lại.

Các học viên cai nghiện game tại Trường Nội trú IVS (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Sơn Vinh
Các học viên cai nghiện game tại Trường Nội trú IVS (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Sơn Vinh

Khi cùng cộng sự của mình thực hiện một đề tài nghiên cứu trên tổng số 300 HS được lựa chọn ngẫu nhiên (182 nữ, 118 nam) ở các khối lớp Sáu, Bảy, Tám của Trường THCS Trần Quốc Toản (Q.9), tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Phó giám đốc phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam - nhận được kết quả: khối lớp Tám có tỷ lệ HS nghiện game cao nhất trong bốn khối lớp. Trong đó, có 96 HS dành 240-420 phút (4-7 giờ) mỗi ngày để chơi game với phương tiện chính là điện thoại di động. Số HS nam nghiện game cao gấp 2,5 lần số HS nữ.

Qua phỏng vấn sâu, bà Thu Hương ghi nhận: HS khối lớp Sáu, lớp Bảy vẫn lo lắng nhiều về việc học và kết quả học tập nên mức độ nghiện game còn nhẹ; HS lớp Tám tạm thời “cởi bỏ” những lo lắng để “hết mình” với game. Nghiên cứu trên đã đưa ra kết luận, dù chưa đến mức báo động, nhưng việc HS chơi game, cũng như nghiện internet quá mức, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập mà còn gây nên những vấn đề về sức khỏe, tâm lý.

Cũng nghiên cứu về thực trạng nghiện internet ở HS bậc THCS, một nhóm tác giả của Trường đại học Đà Nẵng đã khảo sát 316 HS Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (TP.Đà Nẵng), với kết quả: 30,4% HS THCS nghiện internet, trong đó 61,5% có biểu hiện rối loạn lo âu. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, HS nghiện internet có tỷ lệ trầm cảm cao gấp 1,71 lần những HS không nghiện internet.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, nghiện game, nghiện internet ở HS cấp THCS là thực trạng đáng báo động, bởi lứa tuổi này chưa nhận thức đầy đủ về hành vi của mình. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, việc thiếu sân chơi trầm trọng khiến HS không biết chơi đâu, chơi gì nên dễ “nướng” thời gian vào internet, game online hoặc bị bạn bè lôi kéo.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, chính áp lực học hành, những đòi hỏi cũng như sự thiếu công nhận của giáo viên, phụ huynh, sự thiếu quan tâm, chăm sóc về mặt tinh thần đối với trẻ mới là nguyên nhân chính khiến các em tìm kiếm sự tương tác trong thế giới mạng.

Giúp học sinh tìm thấy niềm vui học hành

Tại TP.HCM, hiện chưa có nhiều đơn vị tiếp nhận điều trị cai nghiện game để phụ huynh nhờ cậy. Một số phụ huynh khi bất lực trong việc cai nghiện game cho con mình đã phó thác vào trường học.

Theo nhiều phụ huynh, một số trường tư thục tại TP.HCM như Trường trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Khuyến, Trường đại học Thể dục Thể thao TP.HCM, Trường THCS và THPT Hai Bà Trưng (Q.11) đã rất thành công trong việc cai nghiện internet, game online cho HS. Khi được gửi vào các trường trên, những HS nghiện game đã có biểu hiện ngoan hơn, kết quả học tập tốt hơn vì không có điều kiện và thời gian dành cho thế giới mạng nữa.

Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em thuộc Công ty Tâm lý học ứng dụng - cho rằng nếu hệ thống giáo dục quản lý sát sao về thời gian, hướng HS vào những hoạt động học tập, rèn luyện thể chất phù hợp sẽ khiến HS quên cảm giác nghiện.

Nhiều đại biểu dự hội thảo khẳng định, trường học đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị chứng nghiện internet trong học sinh
Nhiều đại biểu dự hội thảo khẳng định, trường học đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị chứng nghiện internet trong học sinh

Tuy nhiên, bà Linh cũng đặt câu hỏi: “So với quá trình trị liệu tâm lý, sự quản thúc của trường học mang lại hiệu quả nhanh hơn, nhưng liệu đó có phải là giải pháp mang tính bền vững?”. Theo bà, sự quản thúc, kèm cặp chỉ làm mất phương hướng tạm thời, nên khi ra ngoài với cuộc sống tự do, HS dễ tái nghiện theo cơ chế bù đắp khi chưa có sự thay đổi thực sự từ bên trong. Do đó, giải pháp bền vững nhất để lứa tuổi HS không nghiện game là tác động đến thái độ sống, thay đổi nhận thức của các em.

Ở góc độ quản lý HS, bà Trịnh Thị Bích Hằng cho biết, ngay từ đầu năm, nhà trường đã trao đổi và cùng phụ huynh nhất trí về việc quản lý việc sử dụng điện thoại trong trường. Theo đó, HS không được sử dụng điện thoại khi giáo viên không cho phép; nếu có nhu cầu liên lạc với phụ huynh, HS được phép dùng điện thoại bàn của trường hoặc mượn điện thoại của bất cứ giáo viên nào.

Bên cạnh đó, trường cũng hướng HS vào những hoạt động năng khiếu, thể dục thể thao lành mạnh để HS quên nhu cầu sử dụng điện thoại cũng như tránh những trò chơi bạo lực. Từ năm học này, mỗi lớp trang bị một tủ sách để HS đọc và tham gia cuộc thi viết do trường phát động. Trường cũng bố trí giáo viên chuyên ngành tâm lý đảm nhiệm 14-15 tiết kỹ năng sống mỗi tuần, đồng thời phụ trách việc tư vấn tâm lý cho HS.

Thạc sĩ Lê Phạm Phương Lan - giảng viên Trường đại học Nguyễn Huệ (tỉnh Đồng Nai) - cho rằng trường học có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa nghiện internet trong lứa tuổi HS, bởi hoạt động giáo dục và sự tương tác trong môi trường học đường chiếm phần quan trọng trong cuộc sống của lứa tuổi này. Theo bà, việc thay đổi, điều chỉnh nội dung cũng như phương pháp dạy - học là cần thiết trong việc bồi dưỡng tri thức và rèn nhân cách HS.

Đối với lứa tuổi HS, nhu cầu được công nhận, được khẳng định mình rất lớn, do đó, nhà trường - trước hết là giáo viên - phải nắm được tâm lý của HS để tạo điều kiện cho HS phát huy những sở trường cá nhân. “Khi HS cảm nhận được ý nghĩa và niềm vui trong học tập, các em sẽ không còn dành thời gian để tìm niềm vui trong thế giới mạng nữa” - bà Phương Lan khẳng định.

Nguồn: Báo Phụ nữ
www.phunuonline.com.vn
Phiên bản di động