Luật sư tư vấn:

Ly hôn khi một trong hai bên đang ở nước ngoài

Trường hợp vợ (hoặc chồng) đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài mà người ở nhà muốn ly hôn thì cần làm những thủ tục gì?
Đúng theo quy định sẽ phải nộp đơn ly hôn ở đâu? Khi ly hôn con cái được chia như thế nào?

Câu hỏi: Vợ tôi tự ý đi lao động tại Nhật Bản, tôi và gia đình không đồng ý. Đã nhiều lần tôi yêu cầu trở về mà vợ tôi lẩn tránh, không đồng ý về nước để ly hôn. Vậy chúng tôi có thể ly hôn, và tôi được quyền nuôi con không ?

Ông T.T.S – 45 tuổi (Hà Nội)

Luật sư tư vấn:

Theo Luật sư Nguyễn Quang Tâm - Văn phòng Luật sư Phúc Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, thủ tục ly hôn có một bên đang cư trú ở nước ngoài quy định cụ thể tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Luật hôn nhân và gia đình 2014;

  • Về Thẩm quyền: Theo quy định tại các Điều 28, 37, 39, 469 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thì thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn trong trường hợp một bên đương sự đang ở nước ngoài và một bên ở Việt Nam thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú.
ly hon khi mot trong hai ben dang o nuoc ngoai
Luật sư Nguyễn Quang Tâm - Văn phòng Luật sư Phúc Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Hồ sơ xin ly hôn cần chuẩn bị:

  1. Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn/ Hoặc Đơn khởi kiện ly hôn đơn phương;
  2. Đăng ký kết hôn bản chính;
  3. Chứng minh thư nhân dân/ Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng của vợ, chồng bản sao, công chứng;
  4. Giấy khai sinh của con chung bản sao, công chứng;
  5. Sổ hộ khẩu gia đình bản sao, công chứng;
  6. Giấy xác nhận mâu thuẫn vợ chồng, tài liệu chứng minh mâu thuẫn...;
  7. Các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản chung của vợ chồng nếu cần Tòa án phân chia tài sản, bản sao công chứng;
  8. Nếu vợ bạn không về nước, phải làm đơn xin xét xử vắng mặt. Nếu vợ bạn yêu cầu xét xử vắng mặt Tòa sẽ tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp;
  9. Tạm ứng án phí, tạm ứng phí ủy thác tư pháp (Nếu có)

Tòa án sẽ tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp với cơ quan lãnh sự Việt nam ở nước ngoài, với Tòa án nước sở tại nếu vợ bạn yêu cầu xét xử vắng mặt hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ bị đơn... Vợ bạn cần cung cấp các giấy tờ sở hữu tài sản, nhân thân, hoặc ý kiến, đề nghị về tài sản, con chung, …. Tất cả được cơ quan lãnh sự Việt nam hoặc Tòa án nước sở tại xác nhận. Nếu ly hôn vắng mặt, thời gian sẽ kéo dài, từ 12 – 24 tháng do phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp.

  • Thủ tục thuận tình ly hôn: Nếu bạn và vợ thuận tình ly hôn hai bên ký Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn gửi tòa án.
  • Thủ tục đơn phương ly hôn: Bạn phải cung cấp cho tòa án các tài liệu chứng cứ, lý do mà bạn đơn phương ly hôn. Phải cung cấp địa chỉ cư trú, làm việc của vợ bạn ở nước ngoài. Nếu không tìm được nơi địa chỉ, nơi cư trú, làm việc của vợ bạn. Bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố trường hợp người mất tích để xét xử theo quy định của pháp luật.
  • Về con chung khi ly hôn. Điều 81 – Luật hôn nhận và gia đình 2014 quy định. Nếu tranh chấp, không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định. Con dưới 36 tháng tuổi thì mẹ là người nuôi dưỡng, chăm sóc. Trừ trường hợp không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Bạn không nói tuổi, mấy con và chi tiết hoàn cảnh. Tuy nhiên, hai bên cần xem xét, thỏa thuận để các con được nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển tốt nhất.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi.

An Khê (t/h)
Phiên bản di động