Lý do và mức phạt dành cho chủ đầu tư không làm sổ hồng

Thi công không đúng thiết kế được phê duyệt, chưa giải chấp căn hộ... là những lý do mà chủ đầu tư (CĐT) chưa thể trả sổ hồng cho cư dân trong thời gian quy định của pháp luật và sự chậm trễ đó có thể bị phạt lên tới 1 tỷ đồng từ 5/1/2020.
Cư dân nhiều chung cư buông bỏ chuyện đòi sổ hồng Chậm làm sổ hồng cho cư dân, chủ đầu tư sẽ bị phạt nặng

Hiện nay, mua nhà chung cư đang là sự lựa chọn của nhiều người bởi sự tiện nghi cùng nhiều lợi ích như vị trí thuận lợi, dịch vụ tốt hay an ninh đảm bảo. Và để mua được một căn hộ tại những thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM cũng không phải rẻ.

ly do va muc phat danh cho chu dau tu khong lam so hong
Ảnh minh họa (nguồn: IT)

Để có được căn hộ tại dự án mong muốn, ngoài tiền tích góp từ lâu, nhiều người phải vay thêm từ người thân hay vay ngân hàng. Khó khăn là thế, vậy nhưng, khi đã dọn vào ở được một thời gian, nhiều người "ngỡ ngàng" khi không có được giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn hộ chung cư (sổ hồng).

Theo quy định, chủ đầu tư nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng chung cư cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ.

Tuy nhiên thực tế, vẫn còn nhiều chung cư đã "lùa" cư dân vào ở nhiều năm nhưng lại không "trả"sổ hồng. Vậy, những nguyên nhân nào dẫn đến việc chậm trễ đó?

Thứ nhất, chủ đầu tư xin cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 98 Luật Đất đai, chủ sở hữu nhà ở chỉ được nhận Giấy chứng nhận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Thứ hai, chủ đầu tư thế chấp tài sản tại ngân hàng trước khi xin cấp Giấy chứng nhận cho người mua căn hộ và chưa giải chấp.

Thứ ba, do chủ đầu tư chậm hoàn công hoặc không thể hoàn công do xây dựng không đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt.

Thứ tư, xây dựng lấn chiếm mốc bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật theo Điều 35 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP quy định trường hợp này không được cấp Giấy chứng nhận.

Thứ năm, đất xây dựng chung cư được chuyển mục đích sử dụng đất trái phép theo Điều 35 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP quy định trường hợp này không được cấp Giấy chứng nhận.

Thứ sáu, chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng đã cho xây dựng và bán nhà ở. Theo quy định pháp luật xây dựng, việc xây dựng nhà ở khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý là không hợp pháp. Khoản 1 Điều 6 Nghị Định 99/2015/NĐ-CP quy định chỉ cấp Giấy chứng nhận cho nhà ở được tạo lập hợp pháp.

Thứ bảy, do chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận.

Chủ đầu tư bị phạt bao nhiêu khi chậm làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà

Theo quy định mới trong nghị định 91, trong vòng 50 ngày, kể từ ngày bàn giao căn hộ cho bên mua, chủ đầu tư phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng cho bên mua.

Nghị định 91 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai mới ban hành đã nâng mức phạt đối với chủ đầu tư lên đến 1 tỉ đồng nếu cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua, người thuê mua nhà... trong dự án kinh doanh bất động sản.

ly do va muc phat danh cho chu dau tu khong lam so hong
Từ 5/1/2020 chủ đầu tư bị phạt tới 1 tỉ đồng nếu chậm làm sổ đỏ cho người mua nhà.

Thời gian xác định vi phạm chậm bàn giao sổ hồng cho người mua nhà được tính từ thời điểm chủ đầu tư bàn giao nhà ở, công trình xây dựng, đất cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư vi phạm bị buộc khắc phục hậu quả, buộc nộp hồ sơ, cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp sổ hồng theo quy định.

Hoàng Duy
Phiên bản di động