Lương lãnh đạo EVN tăng "phi mã", người lao động ở "cõi" nào?

Cùng mức năng suất lao động nhưng những người quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được đề xuất tăng lương tới 37%, còn người lao động lại chỉ 4%, không bằng con số lẻ của lãnh đạo.
Tập đoàn EVN quay cuồng giữa khối nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng vẫn tăng lương lãnh đạo EVN: Lương lãnh đạo tăng mạnh, người lao động thì nhỏ giọt Bộ Công thương xin lùi thời gian sửa biểu giá điện bán lẻ

Có bất công hay không?

Như chúng tôi đã thông tin, EVN mới đây đã có Tờ trình quỹ tiền lương thực hiện năm 2019 và kế hoạch năm 2020 của người lao động và người quản lý Công ty mẹ để Hội đồng thành viên thông qua.

Theo đó, trong năm 2020, EVN muốn tăng mạnh lương cho người quản lý. Theo đó, kế hoạch quỹ tiền lương của người quản lý tại EVN năm 2020 dự kiến ở mức 10,752 tỷ đồng (14 người).

Kế hoạch mức lương bình quân của người quản lý tại EVN năm 2020 theo đề xuất sẽ ở mức 64,577 triệu đồng/người/tháng, tăng 37% so với mức thực hiện năm 2019 là 47,173 triệu đồng.

luong lanh dao evn tang phi ma nguoi lao dong o coi nao
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đáng nói, trong khi mức lương kế hoạch 2020 của người quản lý tăng mạnh thì người lao động EVN lại đề xuất mức tăng... có cũng như không.

Cụ thể, mức tiền lương bình quân thực hiện của người lao động tại Công ty mẹ EVN năm 2019 là 23.105 triệu đồng/người/tháng; trong khi kế hoạch năm 2020 cũng chỉ tăng lên mức 24.046 triệu đồng/người/tháng, tương đương tăng khoảng 4% so với mức thực hiện năm 2019.

Theo tài liệu mà phóng viên có được, kế hoạch năng suất lao động bình quân theo sản lượng của người quản lý và người lao động EVN năm 2020 đều ở mức 56.567.576 kWh/người/năm.

Như vậy, vì sao cùng mức năng suất lao động được làm ra như nhau nhưng những người quản lý của EVN được đề xuất tăng lương tới 37%, còn người lao động lại chỉ 4%.

"Mức lương tăng cho người lao động EVN như một trò đùa. Với mức 4%, tương đương tăng khoảng 1 triệu đồng mỗi người là quá thấp, thậm chí có thể chỉ bằng mức bù đồng tiền bị trượt giá. Như vậy là quá bất công với người lao động khi mức tăng không bằng con số lẻ của lãnh đạo'', một chuyên gia đặt vấn đề.

Kế hoạch người lao động năm 2020 của EVN là 4.209 người với quỹ tiền lương khoảng 1.219 tỷ đồng.

Theo giải thích của EVN, quỹ tiền lương kế hoạch năm 2020 của người lao động Công ty mẹ - EVN được xác định trên cơ sở mức tiền lương bình quân thực hiện năm 2019 gắn với chỉ tiêu năng suất lao động, lợi nhuận kế hoạch năm 2020 so với thực hiện năm 2019.

Ai cao hưởng lương nhất EVN?

Câu trả lời này nằm ngay trong Tờ trình quỹ tiền lương thực hiện năm 2019 và kế hoạch năm 2020 của người lao động và người quản lý Công ty mẹ - EVN.

luong lanh dao evn tang phi ma nguoi lao dong o coi nao
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên (trái) và ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN (phải) là hai người hưởng lương cao nhất.

Theo đó, người được hưởng lương cao nhất tại EVN tất nhiên là ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên, kế hoạch hưởng lương năm 2020 sẽ là 864 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức lương thực hiện năm 2019 (630,5 triệu đồng).

Tiếp theo là ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, theo kế hoạch năm 2020, ông này sẽ nhận mức lương dự kiến là 840 triệu đồng, cao hơn 227 triệu đồng so với mức thực hiện năm 2019 (613 triệu đồng).

Cũng theo kế hoạch năm 2020, nhóm hưởng mức lương 768 triệu đồng/năm gồm: Ông Mai Quốc Hội - Thành viên Hội đồng thành viên; ông Đặng Huy Cường - Thành viên Hội đồng thành viên; các Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tài Anh, Ngô Sơn Hải, Võ Quang Lâm, Nguyễn Xuân Nam, Phạm Hồng Phương và các Kiểm soát viên Đinh Kim Cương, Đoàn Thị Thanh Bình.

Nhóm người có mức lương 720 triệu đồng năm 2020 gồm: Ông Cao Quang Quỳnh - Thành viên Hội đồng thành viên, ông Nguyễn Đức Cường - Thành viên Hội đồng thành viên. Trong khi đó, người có mức lương thấp nhất theo kế hoạch năm 2020 trong nhóm người quản lý là Võ Hồng Lĩnh - Kế toán trưởng với 696 triệu đồng.

Theo EVN, quỹ tiền lương kế hoạch năm 2020 của người quản lý Công ty mẹ thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 27/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, việc xác định quỹ tiền lương của người quản lý gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của Công ty mẹ.

Năm 2020, lợi nhuận kế hoạch của Công ty mẹ là 989 tỷ đồng, cao hơn thực hiện năm 2019 là 200 triệu đồng (988,8 tỷ đồng), năng suất lao động tăng 4,1% so với thực hiện năm 2019 (54.354.065 kWh/người/năm). Do đó, mức tiền lương bình quân kế hoạch của người quản lý được xác định theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Thông tư 27/2016.

Cụ thể, công ty có năng suất lao động bình quân không giảm, lợi nhuận kế hoạch từ 700 tỷ đồng trở lên và cao hơn lợi nhuận của năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và hệ số điều chỉnh tăng thêm (Kđc) tối đa bằng 1,0 lần mức lương cơ bản.

Với cách tính như trên, câu hỏi đặt ra là cùng mức năng suất lao động nhưng những người quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được đề xuất tăng lương tới 37%, còn người lao động lại chỉ 4%, không bằng con số lẻ của lãnh đạo. Vậy cách tính này có công bằng?

Câu hỏi trên xin được gửi tới Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Doãn Hưng - Hậu Lộc
Phiên bản di động