Lan tỏa quyết tâm phát triển công nghiệp văn hóa

Hà Nội là địa phương đầu tiên có nghị quyết về công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc biến những giá trị văn hóa truyền thống và các tiềm năng về cảnh quan, con người thành nguồn lực mềm, đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới. Tinh thần quyết tâm ấy từ thành phố đang lan tỏa tới các cấp, ngành, địa phương cơ sở, tạo nên một không khí sôi nổi thi đua phát triển ngành “kinh tế” mới...
Vĩnh Phúc: Khánh thành quảng trường văn hóa và sân vận động huyện Yên Lạc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Khu văn hoá tưởng niệm Bác Hồ Hà Nội ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW

Chú trọng tái thiết đô thị, phát triển không gian sáng tạo

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngay sau khi ban hành đã tạo nên một hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong nhiều địa phương, doanh nghiệp và tầng lớp Nhân dân.

Đến nay, sau nửa năm ban hành, khái niệm về “công nghiệp văn hóa” đã trở nên quen thuộc với nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân. Tiềm năng, thế mạnh cũng đã được các địa phương nhận diện và cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể.

Lan tỏa quyết tâm phát triển công nghiệp văn hóa
Vẻ nhộn nhịp và lung linh của phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây khi về đêm

Là quận lõi trung tâm của thành phố, với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, quận Hoàn Kiếm đã xác định tái thiết đô thị và phát triển không gian văn hóa sáng tạo để phát triển du lịch và góp phần phát triển công nghiệp hóa trên địa bàn.

Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Đăng Định, trong 12 lĩnh vực được Chính phủ xác định để phát triển công nghiệp văn hóa, lĩnh vực “Kiến trúc” đã được quận Hoàn Kiếm đặc biệt quan tâm và đầu tư mạnh mẽ.

“Chúng tôi cho rằng “tái thiết đô thị” là điểm tựa cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo, kích thích du lịch, tạo danh tiếng mới cho đô thị; Góp phần tạo ra cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng”, ông Định cho biết.

Bí thư quận Hoàn Kiếm cũng cho biết thêm, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của quận với lợi thế của các không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, quận đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để triển khai và tổ chức thực hiện; Tập trung đầu tư nguồn lực cho các dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng đô thị; Xây dựng các không gian văn hoá; Tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá… Nhờ đó, diện mạo đô thị quận ngày càng khang trang, sạch đẹp, là sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Cùng với việc tái thiết đô thị, Hoàn Kiếm cũng là quận đầu tiên của Thủ đô và cả nước triển khai các không gian đi bộ trên địa bàn, tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Hà Nội, đồng thời tạo không gian vui chơi, tổ chức sự kiện cho cộng đồng dân cư giao lưu giữa du khách trong và ngoài nước. Các không gian đi bộ trong thời gian qua tại quận Hoàn Kiếm đã thực sự làm gia tăng cơ hội phát triển thương mại và du lịch, kinh tế dân sinh và tăng thu ngân sách, có thêm nguồn lực để quận đầu tư phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

Xây dựng các điểm đến du lịch từ tiềm năng sẵn có

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển đô thị, thị xã Sơn Tây đã có nhiều nỗ lực để góp phần lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa, đồng thời từng bước khai thác hiệu quả phương diện kinh tế của di sản, đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Đặc biệt, thị xã đã chú trọng đến việc xây dựng các tour, tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng của thị xã như: Thành cổ - đền Và - Làng cổ ở Đường Lâm - chùa Khai Nguyên - đền Măng - Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam - khu du lịch Đồng Mô gắn với các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng; Kết nối với các khu du lịch thuộc huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất và tỉnh Vĩnh Phúc. Qua đó, đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến địa bàn

Năm 2022, thị xã Sơn Tây đã tổ chức khai mạc “Năm du lịch Sơn Tây - Xứ Đoài” và khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Sau gần 3 tháng triển khai, hoạt động của tuyến phố đi bộ đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng không gian sáng tạo, trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các huyện, thị xã xứ Đoài xưa.

Lan tỏa quyết tâm phát triển công nghiệp văn hóa
Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng tọa lạc tại số 28 đường Bát Tràng

Trong khi đó, huyện Gia Lâm lại chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái và trải nghiệm nông nghiệp. Huyện xác định xây dựng 3 vùng du lịch trọng điểm, xây dựng các tour du lịch gắn với các di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến; Tham quan các làng nghề truyền thống (Gốm Bát Tràng, Kim Lan; dát vàng quỳ Kiêu Kỵ; Thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Hiệp…). Để làm được điều này, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, huyện sẽ tiếp tục triển khai tu bổ tôn tạo 38 di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp trên nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, triển khai 42 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa với kinh phí gần 1.200 tỷ đồng.

Để tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển công nghiệp văn hóa, huyện Đan Phượng đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển các vườn trại, trang trại nông nghiệp như: Rau sạch, nho hạ đen, lan hồ điệp, “con đường bích họa”, “ tuyến đê kiểu mẫu”; thôn, tổ dân phố “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”.

Đồng thời, huyện tập trung lưu giữ và phát huy giá trị của các công trình văn hóa, chú trọng tu bổ, tôn tạo 53 di tích (với tổng mức kinh phí đầu tư gần 300 tỷ đồng). Các di vật, cổ vật, tư liệu lịch sử được lập hồ sơ khoa học. Các dữ liệu về di tích được số hóa làm chất liệu kết nối, chia sẻ, quảng bá thông tin rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân, tạo sức hấp dẫn để khách du lịch đến với Đan Phượng tìm hiểu những giá trị văn hóa. Đây là những điểm đến thu hút du khách đến với Đan Phượng gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển công nghiệp văn hóa.

Lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết: Huyện xác định công nghiệp văn hóa sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2025 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5%, đến năm 2030 đóng góp khoảng 10% vào giá trị sản xuất trên địa bàn và đến năm 2045 ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đem câu chuyện nghề ra thế giới

Với cộng đồng các làng nghề của Thủ đô, trong đó có làng nghề thủ công truyền thống, Nghị quyết 09-NQ/TU đã mang tới cơ hội đem những câu chuyện từ đời ông cha tổ nghiệp đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết, Hiệp hội đã chọn và phối hợp với Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh là chủ đầu tư để xây dựng mô hình thử nghiệm tại Làng gốm cổ Bát Tràng với tên gọi “Trung tâm Tinh Hoa Làng Nghề Việt".

“Du khách dừng chân tại đây được nhìn thấy các bàn xoay đang vuốt gốm, các sóng lượn của sông Hồng, và được đi trên nền quảng trường lát bằng gạch Bát Tràng phục cổ… Đặc biệt nơi đây có một bảo tàng nghề gốm Bát Tràng rất đặc sắc để kể lại câu chuyện gần 1000 năm tuổi của tổ tiên chúng tôi, 23 dòng họ đã rời cố hương Bồ Bát – Yên Mô – Ninh Bình trên những con thuyền mong manh, theo vua Lý Công Uẩn ngược sóng Hồng Hà về đây dựng lên làng Bát Tràng trù phú như hôm nay”- bà Vinh cho hay.

Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt là mô hình doanh nghiệp xã hội đến nay chưa khai trương, mới đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Tuy vậy, trong dịp lễ 30/4 – 1/5 đã đón gần 5000 lượt khách mỗi ngày và đang là điểm đến hấp dẫn cho cho du khách trong và ngoài nước

Lan tỏa quyết tâm phát triển công nghiệp văn hóa
Tuổi trẻ Thủ đô tham gia phát triển công nghiệp văn hóa với một trong các công trình sáng tạo

Tạo ra những điểm mới trong nền văn hóa Việt Nam

Không đứng ngoài guồng quay phát triển công nghiệp văn hóa, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội xác định vai trò của mình trong định hướng về tư tưởng, nhận thức để giúp thanh niên có tâm thế vững vàng, từng bước tham gia tích cực và chủ động vào quá trình xây dựng công nghiệp văn hóa và xây dựng Thành phố Sáng tạo.

Thành đoàn Hà Nội đã chọn lựa một số địa điểm tại các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng các Không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo và công nghiệp văn hóa, là nơi sinh hoạt của các Mạng lưới Câu lạc bộ Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (HUB Network), Mạng lưới Câu lạc bộ Nghệ thuật và Văn hóa (Art Network), Mạng lưới Câu lạc bộ Phong cách và Thời trang Sinh viên (SOL Network),…

Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội đã và đang xây dựng Nền tảng Chân dung số sinh viên 4SV.vn nhằm tạo môi trường hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đăng tải, phát hành và tiêu thụ các sản phẩm sáng tạo, sản phẩm nghệ thuật trên nền tảng số; Đồng thời bước đầu làm việc với các khu vực Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Quận Tây Hồ) và Công viên Thống Nhất (Quận Hai Bà Trưng) hình thành các “Không gian biểu diễn thanh niên - sinh viên” cho các Câu lạc bộ âm nhạc, hội họa, thời trang, biểu diễn, v.v… trình diễn hàng tuần theo chủ đề, thu hút sự quan tâm của giới trẻ và hỗ trợ các địa phương vận hành hiệu quả các không gian phố đi bộ.

Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội đã chủ trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sự kiện về đổi mới sáng tạo, các cuộc thi quy mô lớn thu hút sự quan tâm và gây tiếng vang trong giới trẻ, tri thức, doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước như Festival Thanh niên Đông Nam Á, Ngày hội Đổi mới sáng tạo Thủ đô, Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge, Cuộc thi thiết kế Công viên Sáng tạo InnoPark, Cuộc thi phát triển game trên nền tảng chuỗi khối Game2Blockchain… Đồng thời, Thành Đoàn Hà Nội triển khai Đề án số hoá, mã hoá dữ liệu các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố; là tiền đề quan trọng để hình thành trải nghiệm số tích hợp phân phối và thanh toán các sản phẩm OCOP cho khách du lịch chưa có dịp tham quan trực tiếp Thủ đô Hà Nội trong tương lai.

Theo lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội, với mục tiêu tạo lớp người trẻ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp văn hóa một cách sáng suốt, có năng lực sản xuất những sản phẩm văn hóa mang trong đó cái hồn của người Việt nhưng tân tiến, mới mẻ và mang màu sắc hội nhập; Việc thanh niên tham gia phát triển công nghiệp văn hoá không đơn thuần chỉ là việc làm lại hoặc cải tiến những giá trị và sản phẩm văn hóa của quá khứ, mà còn là quá trình sáng tạo để tạo ra những điểm mới trong nền văn hóa Việt Nam của tương lai.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp Nhân dân, Hà Nội sẽ tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao… như Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề ra.

Huy Dương
Phiên bản di động