Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV: Nội dung trọng tâm là xây dựng pháp luật

Trong 20 ngày diễn ra Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (từ 20/5-16/4/2019), Quốc hội sẽ dành ra 60% thời gian (12 ngày) để bàn thảo các vấn đề xây dựng pháp luật.
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra trong 19 ngày

Chiều 17/5, Tổng thư ký Quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo thông tin về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

ky hop thu 7 quoc hoi khoa xiv noi dung trong tam la xay dung phap luat
Ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin về Kỳ họp thứ 7. Ảnh: Ngọc Thắng.

Theo dự kiến nội dung Chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 07 dự án Luật, 02 dự thảo Nghị quyết gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại 01 kỳ họp); Nghị quyết Phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp).

Quốc hội sẽ cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác được Quốc hội xem xét, thảo luận gồm các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018;

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn;

Quốc hội còn xem xét thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Trong kỳ họp giữa năm 2019, năm thứ tư của nhiệm kỳ này, lần đầu tiên Quốc hội thí điểm sử dụng phần mềm hỗ trợ các đại biểu quốc hội trong việc tra cứu thông tin, tài liệu, xem xét ý kiến cử tri… Các đại biểu có thể tra cứu các thông tin này ngay trên chiếc điện thoại thông minh của mình khi dự họp. Theo Tổng thư ký Quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc, đến cuối kì họp, Quốc hội sẽ đánh giá lại hiệu quả của phần mềm. Việc thí điểm sử dụng CNTT trong kỳ họp lần này để tiến tới xây dựng Quốc hội điện tử.

Huyền My
Phiên bản di động