Kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng là mục tiêu trọng yếu năm 2021

Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước...
Kiểm soát tốt COVID-19 năm 2021, tăng trưởng ngân hàng sẽ ra sao?

Kiểm toán Nhà nước vừa có công văn hướng dẫn hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2021.

Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, các Trưởng đoàn kiểm toán trong quá trình tổ chức kiểm toán cần bám sát mục tiêu, trọng yếu và các nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2021.

Trong năm 2021,Kiểm toán Nhà nước xác định trọng yếu kiểm toán để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành; báo cáo tài chính doanh nghiệp, ngân hàng; báo cáo quyết toán dự án đầu tư.

Về lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước, việc thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng và việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các ngân hàng thương mại.

Kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng là mục tiêu trọng yếu năm 2021
PVcomBank nằm trong danh sách kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiểm toán tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết; tình hình thực hiện các quy định về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiểm toán đánh giá việc quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản của các doanh nghiệp được kiểm toán; đánh giá công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động đầu tư, việc sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty.

Theo kế hoạch kiểm toán, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ tổ chức thực hiện 181 cuộc kiểm toán trên các lĩnh vực, tăng 23 cuộc so với kế hoạch kiểm toán năm 2020.

Trong đó, về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước sẽ lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nuớc năm 2020 kết hợp với việc đánh giá công tác cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả…

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng, tổng công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.

Chiếu theo danh sách các đơn vị sẽ được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2020 gồm 21 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng.

Theo đó, các đơn vị nằm trong diện kiểm toán gồm: Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Hóa chất, VNPT, Tổng công ty Khí Việt Nam, Mobifone, SCIC, Tổng công ty Thép, ACV, VietinBank, PVcomBank, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội...

Hậu Lộc
Phiên bản di động