Kích hoạt quy trình báo động đỏ, phẫu thuật hộp sọ lấy máu tụ cho bệnh nhân

Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận phẫu thuật nam bệnh nhân bị chấn thương sọ não nghiêm trọng sau va chạm mạnh.

Phẫu thuật khối u tuyến mang tai kích thước lớn ở bệnh nhân lớn tuổi

Bệnh nhân là anh T.V.K (16 tuổi) là người dân tộc, lên Hà Nội làm thuê, hiện đang trú tại quận Long Biên, Hà Nội.

Bệnh nhân T.V.K nhập viện trong tình trạng tri giác lơ mơ, đầu sưng to. Qua khai thác người bạn đi cùng, vùng đầu bệnh nhân đã bị chấn thương sau va chạm mạnh.

Tiên lượng trường hợp này có thể diễn biến khó lường, kíp trực đã đẩy thẳng bệnh nhân vào phòng chụp CT Scaner trước cả khi thông tin BN được đăng ký trên hệ thống.

Kích hoạt quy trình báo động đỏ, phẫu thuật hộp sọ lấy máu tụ cho bệnh nhân

Bác sĩ thăm khám, chúc mừng bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe.

Không ngoài dự đoán, kết quả chụp cho thấy hình ảnh vỡ lún rộng xương sọ vùng thái dương trái, máu tụ nhiều ngoài màng cứng vùng thái dương và hố thái dương trái. Vừa rời bàn chụp CT Scaner, bệnh nhân đã rơi vào hôn mê.

Đồng tử phía bên máu tụ giãn to, dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang chuyển sang giai đoạn tụt kẹt não. Nguy cơ tử vong nếu không phẫu thuật kịp thời là rất cao. Trong khi đó người giám hộ của bệnh nhân vẫn chưa tới. Chưa ai có thể ký giấy mổ cho bệnh nhân.

Cứu người như cứu hỏa, đứng trước giây phút sinh tử, để có thể bảo toàn mạng sống cho bệnh nhân, kíp trực Khoa Cấp cứu đã hội chẩn nhanh với lãnh đạo bệnh viện, ra quyết định kích hoạt quy trình báo động đỏ, khẩn trương phẫu thuật hộp sọ lấy máu tụ cho bệnh nhân.

Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt nội khí quản và đẩy thẳng lên phòng mổ. Tại đây, kíp phẫu thuật sọ não do bác sĩ Trần Minh Tân - Khoa Cấp cứu cùng các bác sĩ Khoa gây mê hồi sức và Khoa xét nghiệm đã tiến hành mở hộp sọ cho bệnh nhân.

Ngoài ra, kiểm tra vị trí thái dương thấy xuất hiện vùng vỡ lún rộng TD (T). Rất nhanh chóng, ekip đã tạo ra 1 lỗ khoan nhằm loại bớt máu tụ, giảm áp lực tạm thời cho hộp sọ. Máu tươi cứ thế theo lỗ khoan phụt ra ngoài.

Lúc này, vừa truyền máu, hồi sức, ekip vừa tiếp tục mở rộng vùng TD và hố TD (T) tìm thấy động mạch màng não giữa bị đứt đang phun máu dữ dội.

Để kiểm soát tình hình, ekip đã cầm máu bằng dao điện lưỡng cực, tiếp đó loại bỏ phần máu tụ. Khi các thông số của bệnh nhân đã dần ổn định, ekip mới tiến hành nắn chỉnh phần xương vỡ lún, đặt lại hộp sọ và cố định chắc chắn lại bằng hệ thống nẹp vít.

Đề phòng tổn thương đối bên tiến triển, ngay sau mổ bệnh nhân được đưa đi chụp cắt lớp sọ não lần 2. Kết quả lần chụp này cho thấy khối máu tụ đã được loại bỏ hoàn toàn. Nhu mô não đã được giải phóng chèn ép, gần trở về trạng thái bình thường.

Tình hình về cơ bản đã được kiểm soát, các bác sĩ mới dám thở phào nhẹ nhõm, chuyển bệnh nhân về hồi sức tại Đơn nguyên Hồi sức ngoại.

Ba ngày sau mổ, khi các chỉ số đã ổn định, bệnh nhân được chuyển về Khoa Chấn thương chỉnh hình điều trị chuyên sâu. 7 ngày tiếp theo, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Hiện tại bệnh nhân đang được tập phục hồi chức năng, dự kiến sẽ cho xuất viện trong vài ngày tới.

Ths.Bs Trần Minh Tân - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, trưởng kíp phẫu thuật cho biết: “Tất cả các trường hợp tụ máu nội sọ, đặc biệt là trường hợp máu tụ ngoài màng cứng đều là các cấp cứu ngoại khoa số 1, cần phải tận dụng tối đa thời gian để có thể cứu sống bệnh nhân, hạn chế các di chứng đáng tiếc về sau.

Như trường hợp bệnh nhân T.V.K nói trên, diễn biến xấu đi rất nhanh, tiên lượng tử vong rất cao. Để có thể giữ lại tính mạng cho bệnh nhân, quy trình báo động đỏ đã được chúng tôi đã kích hoạt nhằm linh hoạt xử lý mọi tình huống và bỏ qua mọi thủ tục hành chính, chạy đua với thời gian giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Tổng thời gian kể từ lúc bắt đầu vào viện, chụp chiếu, ra quyết định phẫu thuật cho đến khi ca mổ hoàn thành chỉ vẻn vẹn khoảng 2 giờ đồng hồ trong sự khẩn trương hết sức có thể của cả ekip. Với những trường hợp như vậy, nếu có thể nên để bệnh nhân được phẫu thuật ngay ở các tuyến cơ sở đáp ứng đủ điều kiện nhằm tận dụng tối đa thời gian”.

Quy trình báo động đỏ có thể ví như sự ưu tiên di chuyển của xe cấp cứu hay xe cứu hỏa khi tham gia giao thông. Khi quy trình báo động đỏ được kích hoạt, mọi thủ tục hành chính sẽ được phá bỏ.

Tất cả các khoa phòng khác cũng huy động lực lượng tối đa, đưa việc bảo toàn tính mạnh cho bệnh nhân lên ưu tiên hàng đầu. Nhờ quy trình báo động đỏ mà rất nhiều ca bệnh nặng, bệnh nhân đa chấn thương đã được cứu sống tại bệnh viện Đức Giang.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động