Khuyến cáo người dân không nên đua nhau đi xét nghiệm nCoV
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nCoV
Lo ngại không biết mình có nhiễm bệnh nCoV hay không, nhiều người dân từng đi du lịch hoặc lao động xuất khẩu, du học ở Trung Quốc trở về trong thời gian này cũng đã đến các BV để xét nghiệm. Thậm chí có những người không đến các vùng có dịch nCoV nhưng có biểu hiện ho sốt đã vội vã đến các bệnh viện để xét nghiệm sàng lọc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).
Chị Hải Yến (Thạch Bàn, Hà Nội) cho biết: "Tôi không đến Trung Quốc hay Thái Lan, Hàn Quốc... du lịch nhưng nghe nói trên địa bàn nơi tôi ở có một số trường hợp nghi nhiễm vì đi xuất khẩu lao động Trung Quốc trở về. Tuy chưa có biểu hiện, triệu chứng của bệnh về đường hô hấp nhưng nghe tình hình dịch diễn biến phức tạp nên tôi đến bệnh viện khám sàng lọc cho yên tâm”.
![]() |
Ngày 5/2, trên mạng xã hội đang xuất hiện thông tin tiêm vắc xin phòng dịch nCoV với giá 200 đôla Mỹ/mũi, tiêm 2 mũi cách nhau 25 ngày... Trong khi thực tế, thế giới chưa có loại vắc xin nào phòng dịch nCoV.
TTND.GS.TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết: "Đến bây giờ chưa có vắc xin hay thuốc đặc hiệu đối với bệnh nCoV, phương pháp điều trị vẫn là giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ, chẩn đoán điều trị sớm. Trong bầu không khí, ai cũng xông đến đòi xét nghiệm thì không thể nào xét nghiệm hết được. Yếu tố nguy cơ như yếu tố dịch tễ, tiếp xúc gần với người có triệu chứng lâm sàng đã khẳng định là ca dương tính với nCoV, chứ không phải ở cả chung cư, tầng 8 có người nghi ngờ mà cả khu đi xét nghiệm. Bởi nCoV lây nhiễm do tiếp xúc gần, 1 người mắc chỉ có lây tối đa 1-5 người thôi. Ví dụ như thành viên tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân.
Người đi cùng máy bay, ô tô, tàu hỏa, ngồi chung bán kính với bệnh nhân nCoV 1-2m. Nếu không có triệu chứng chỉ cách ly thôi. Chứ nếu mọi người ồ ạt đi xét nghiệm không để làm gì. Do đó, chúng ta phải áp dụng các biện pháp dự phòng cho cá nhân và gia đình: đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tụ tập đông người…".
Làm sao để phân biệt triệu chứng nhiễm virus corona nCoV và cúm thông thường?
Do thời tiết mưa lạnh, nhiều người có biểu hiện ho, sốt như cảm cúm thông thường nhưng lại lo sợ mình đã bị nhiễm nCoV. Liên quan tới vấn đề hiện nay người dân khó phân biệt được cúm thường với biểu hiện nhiễm virus corona nCoV, theo GS. TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nếu muốn phân biệt cần phải phân tích kỹ các yếu tố về dịch tễ, lâm sàng.
GS. TS Nguyễn Văn Kính cho biết, những triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, cúm hay cảm lạnh thông thường có thể vài ngày là khỏi. Cúm thông thường đã có thuốc đặc trị.
“Cúm có các chủng A, B, C. Cúm A, B lây cho người. Đối với cúm A sẽ có kháng nguyên H và N (tỷ lệ 5-9) tạo ra biến chủng. Riêng cúm A có thể gây ra đại dịch như cúm A H5N1, cúm A H1N1 có nguồn gốc từ chim, gia cầm, lợn tái tổ hợp thành các chủng các nhau. Đối với cúm thông thường hiện nay đã có một số thuốc đặc trị, trong đó phải kể đến Tamiflu.
Còn đối với virus như virus corona chủng mới (nCov), SARS, MERS-CoV không có thuốc đặc hiệu, cũng chưa có kháng sinh. Một số phương pháp điều trị hiện nay như kết hợp thuốc dùng cho bệnh nhân HIV chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng ta nên phân tích tỉ mỉ về dịch tễ, lâm sàng để xác định chính xác người nhiễm virus corona”, GS. TS Nguyễn Văn Kính nói.
Để khẳng định chắc chắn trường hợp nhiễm virus corona cần dựa trên 3 yếu tố: yếu tố dịch tễ (có tiếp xúc gần, đến và đi từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày hay không, triệu chứng lâm sàng thế nào và cuối cùng là xét nghiệm (cực kỳ quan trọng) để khẳng định được trường hợp đã nhiễm nCoV.
Về những triệu chứng và biến chứng mà virus corona có thể gây ra và cách kiểm tra một người xem có bị nhiễm nCoV hay không, PGS. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho hay, triệu chứng của nCoV cũng khá đa dạng.
Đầu tiên là những dấu hiệu giống như cảm lạnh gồm hắt hơi, sổ mũi. Đó là dấu hiệu ở mức độ nhẹ nhất (viêm đường hô hấp trên). Dấu hiệu tiếp theo nữa bắt đầu với những tổn thương ở cơ địa đặc biệt có thể gây ra viêm phổi với tùy mức độ có thể nhẹ hoặc nặng (suy hô hấp, khó thở, tím tái).
Hầu hết các tình trạng của bệnh nhân hiện nay đều dừng lại ở mức độ viêm đường hô hấp, viêm phổi nhẹ còn viêm phổi nặng và sốc nhiễm trùng thì không thực sự nhiều, tất nhiên chưa có thống kê cụ thể để biết chính xác bao nhiêu.
“Muốn xác định người nhiễm virus corona nCoV, tình trạng bệnh phải lưu ý yếu tố dịch tễ cùng triệu chứng lâm sàng để phát hiện: dấu hiệu đường hô hấp, sốt, đau người, mệt mỏi... Phân tích đặc điểm dịch tễ cần kỹ càng để xem bệnh nhân đến từ đâu, tiếp xúc với ai có liên quan gì đến dịch viêm phổi hay không”, PGS. TS Trần Minh Điển cho hay.