Không để lợi ích nhóm khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Chính phủ yêu cầu trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm...
Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước khó đạt kế hoạch Phó Thủ tướng thúc tiến độ cổ phần hóa Agribank

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết số 161/NQ-CP về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước vừa được Chính phủ ban hành.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước khẩn trương xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg; kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan về việc chậm phê duyệt phương án theo quy định.

Đồng thời, các đơn vị cũng phải khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý nhà, đất, trên cơ sở đó tổng hợp, lập phương án báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất bảo đảm thực hiện đúng chế độ quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Không để lợi ích nhóm khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
Ảnh minh họa

Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý trong việc kiểm tra hiện trạng nhà, đất; khẩn trương có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn để bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án xử lý.

Cùng với đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) theo đúng quy định của pháp luật...

Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh việc nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phẩn hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 9 tháng đầu năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).

Trong khi đó, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 3 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp (trong đó triển khai xác định và công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là 90 doanh nghiệp).

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020.

Về tình hình thoái vốn, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong tháng 9/2020, đã hoàn thành chuyển giao phần vốn nhà nước tại 5 Tổng công ty với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 8.185,6 tỷ đồng về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Trong 9 tháng đầu năm 2020 đã thoái được 899 tỷ đồng, thu về 1.845 tỷ đồng.

Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 9/2020 đã thoái 25.669 tỷ đồng, thu về 172.917 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn Nhà nước tại 102 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.964 tỷ đồng, thu về 9.643 tỷ đồng; thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg đã thoái 3.785 tỷ đồng vốn Nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.919 tỷ đồng, thu về 52.881 tỷ đồng.

Theo đánh giá từ Cục Tài chính doanh nghiệp, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 9 tháng đầu năm 2020 là chậm, do đó việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong 3 tháng còn lại năm 2020 là khó khả thi.

Văn Huy
Phiên bản di động