Không để học sinh quá tải khi đi học trở lại…

Cân đối, hài hòa giữa việc ôn tập kiến thức cũ, dạy kiến thức mới, không bắt học sinh làm quá nhiều bài kiểm tra mà vẫn phòng, chống dịch tốt, bảo thời gian kết thúc năm học là mối quan tâm hàng đầu của các nhà trường khi học sinh đi học trở lại.
Lớp học không điều hoà, phụ huynh lo con "nóng phát ốm" Thầy trò thực hiện nghiêm quy định phòng dịch ngày quay trở lại trường Hà Nội: Trường học phải có “kịch bản” trước khi đón học sinh đi học trở lại

Dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến

Để bảo đảm an toàn, nhiều trường thực hiện chia tách lớp, chia ca và giãn cách học sinh với khoảng cách phù hợp. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một số khó khăn, đặc biệt là việc bố trí giáo viên.

“Giải bài toán” này, hầu hết các nhà trường đều có phương án dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đơn cử như tại trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), với sĩ số trung bình 36 học sinh/lớp, nhà trường vẫn tách đôi thành các lớp nhỏ ở các phòng học liền kề. Tuần đầu tiên chỉ có lớp 12 đi học đầy đủ các buổi sáng trong tuần, mỗi buổi 4 tiết để có thời gian hoàn thành chương trình kết hợp với ôn tập.

Không để học sinh quá tải khi đi học trở lại…

Song song với dạy học trực tuyến, các nhà trường vẫn duy trì dạy trực tiếp để đảm bảo quy định giãn cách phòng chống dịch...

Các lớp 10, 11 chỉ đến học trực tiếp 1 buổi/tuần để học các môn Tin học, tiếng Anh với chuyên gia nước ngoài. Còn lại học sinh vẫn học trực tuyến như trước.

Tương tự, tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), khối 12 học tất cả các buổi sáng và được tách đôi lớp. Các lớp 11 và 10 sẽ đi học cách nhật 3 buổi/tuần, thời gian còn lại tiếp tục học trực tuyến tại nhà.

Để đảm bảo giãn cách xã hội, tạo môi trường an toàn cho các em học sinh, tại trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) Ban giám hiệu trường tách 31 lớp thành 62 lớp nhỏ.

“Các giờ đi học, tan học được linh hoạt cách nhau từ 30 - 45 phút. Nhà trường tuân thủ tuyệt đối việc đo thân nhiệt, rửa tay. Học sinh đeo khẩu trang suốt thời gian khi đi từ nhà đến trường, trong thời gian học tại trường cho tới khi về nhà. Thực hiện giãn cách theo đúng quy định, khử trùng, học sinh được khuyến cáo rửa tay thường xuyên phòng dịch Covid-19…”, cô Phạm Thị Hương Giang (Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương) thông tin .

Về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn, trong đó có nội dung kết hợp giữa dạy học qua Internet, trên truyền hình với dạy học trực tiếp để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình, bảo đảm kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020.

“Nếu điều kiện không cho phép, nhà trường có thể để học sinh đến lớp luân phiên. Tuy nhiên thời gian học trên lớp đã giảm đi vì học sinh được hướng dẫn tự học khi ở nhà và vẫn duy trì tiếp tục việc học qua Internet, trên truyền hình. Cách làm này vừa giảm áp lực khi dạy học trực tiếp trên lớp, vừa tăng cường khả năng tự học của học trò, đúng như hướng dẫn đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học của Bộ GD&ĐT trong những năm vừa qua” – PGS Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Vậy làm sao để kết hợp hiệu quả giữa dạy học trực tiếp trên lớp và dạy học trực tuyến? PGS Nguyễn Xuân Thành cho rằng: Tùy theo điều kiện thực tế của mỗi trường, đồng thời lưu ý: Đối với từng môn học, thầy cô phải hướng dẫn học sinh ở nhà nghiên cứu, đọc trước bài; Đưa ra những yêu cầu cần chuẩn bị trước… Thời gian trên lớp là để các em báo cáo, trả lời câu hỏi giáo viên yêu cầu chuẩn bị trước đó, củng cố kiến thức và chốt cho học sinh phần kiến thức phải nhớ.

Trước băn khoăn học sinh được nghỉ học một khoảng thời gian khá dài, khi đi học trở lại ít nhiều gặp bỡ ngỡ, việc ổn định nề nếp dạy học có khó khăn, PGS Nguyễn Xuân Thành cho hay: Khi học sinh đi học trở lại, nhà trường phải dành thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức đã được học qua Internet, trên truyền hình; Cũng có thể bố trí kiểm tra phần kiến thức học sinh đã học qua hình thức học này, sau đó thực hiện tiếp chương trình chứ không dạy lại những gì đã học. Đây cũng là thời gian để học sinh quay trở lại nền nếp học tập.

Với những học sinh điều kiện học trên truyền hình, Internet khó khăn, việc học chưa bảo đảm yêu cầu, nhà trường cần bố trí thời gian để tăng cường, hỗ trợ để các em nắm chắc kiến thức đã được dạy qua hình thức trên. Việc ôn tập phải kết hợp cùng các nhóm khác, để trong quá trình thảo luận nhóm, học sinh đã học chưa có điều kiện học tốt qua Internet, trên truyền hình tương tác, cùng nắm vững kiến thức. “Việc phụ đạo cho đối tượng học sinh này, về nguyên tắc, không thu học phí” – PGS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Kiểm tra, đánh giá linh hoạt

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường dạy học qua Internet và truyền hình có thể tổ chức kiểm tra thường xuyên bằng các hình thức linh hoạt. Riêng bài kiểm tra định kỳ phải thực hiện khi các em trở lại trường học, sau đợt nghỉ phòng dịch Covid-19. Có ý kiến lo ngại, trong thời gian nghỉ, giáo viên chỉ thực hiện kiểm tra thường xuyên, những bài kiểm tra định kỳ, do đó phải thực hiện mật độ dày đặc khi quay trở lại học.

Giải đáp băn khoăn này, PGS. TS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Bộ GD&ĐT có hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020. Theo đó, một số nội dung kiến thức đã được tinh giản để phù hợp với điều kiện dạy học trong điều kiện dịch bệnh. Tương ứng với đó, số bài kiểm tra định kỳ cũng được điều chỉnh phù hợp. Cụ thể, Văn bản số 1360/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học kỳ II năm học 2019 - 2020 quy định giảm 1/3 số đầu điểm đối với số lần kiểm tra cho điểm (đầu điểm) thường xuyên và kiểm tra định kỳ. Với kiểm tra thường xuyên, môn học có từ 1 tiết trở xuống/tuần: Ít nhất 1 đầu điểm; Môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần: Ít nhất 2 đầu điểm; Môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần: Ít nhất 3 đầu điểm. Đối với kiểm tra định kỳ, môn học có từ 2 tiết trở xuống/tuần: Ít nhất 1 đầu điểm; Môn học có từ trên 2 tiết /tuần: Ít nhất 2 đầu điểm.

“Từ nay đến khi kết thúc năm học (15/7) còn khoảng 10 tuần, đủ để các trường bố trí kế hoạch tổ chức dạy học theo chương trình đã tinh giản. Số bài kiểm tra đã giảm nên không lo học sinh phải làm bài kiểm tra với mật độ dày đặc. Trong các môn học, giáo viên vẫn phải hài hòa giữa ôn tập kiến thức, dạy kiến thức mới và thực hiện các bài kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT” – ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý.

Riêng với học sinh lớp 12, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, công việc chính vẫn là xây dựng kế hoạch dạy học, thực hiện các bài học đáp ứng yêu cầu chương trình. Vì cách thức tổ chức thi không thay đổi nhiều, học sinh vẫn thi ở địa phương, nội dung bài thi minh họa của Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ sớm được công bố, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, cốt lõi, sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT tới.

Trao đổi về việc triển khai kế hoạch năm học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, 1-2 tuần đầu học sinh đi học trở lại, các nhà trường cần tập trung rà soát, đánh giá kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian nghỉ dịch, từ đó có kế hoạch củng cố lại kiến thức đã học, trang bị kiến thức mới.

"Ngoài lớp 9, lớp 12, các khối lớp khác có thể xem xét kéo dài nội dung học tới đầu năm học mới nếu cần thiết. Đề kiểm tra, đề thi học kỳ II phải có nội dung phù hợp, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt học sinh phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động