Khẩn trương thống nhất giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp

Bộ Công thương đề nghị EVN và chủ đầu tư khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện để sớm đưa các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp bị chê quá thấp Đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng: Thứ trưởng Bộ Công thương nói gì?

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An vừa ký văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp về vấn đề giá điện.

Theo Bộ Công thương, ngày 7/1/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Căn cứ Quyết định số 21/QĐ-BCT, Bộ Công thương đề nghị EVN và các chủ đầu tư khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện để sớm đưa các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Khẩn trương thống nhất giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp
Ảnh minh họa

Theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương, mức giá trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh.

Trong khi đó, giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Khung giá này sẽ là cơ sở để EVN và đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư số 15/2022/TT-BCT thoả thuận giá phát điện theo quy định.

Trước đó, ngày 3/10/2022, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, có hiệu lực từ ngày 25/11/2022.

Khoản 1 Điều 10 Thông tư 15 quy định: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông tư này có hiệu lực, chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/1/2021 và các nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/11/2021 có trách nhiệm cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho EVN.

Hiện tại, EVN nhận được hồ sơ tài liệu của 102 nhà máy điện mặt trời (4 nhà máy điện mặt trời nổi và 98 nhà máy điện mặt trời mặt đất) và 109 nhà máy điện gió (35 nhà máy điện gió trên biển và 74 nhà máy điện gió trong đất liền).

Hậu Lộc
Phiên bản di động