Iran tuyên bố bắn rơi máy bay do thám Mỹ

Các phương tiện truyền thông nhà nước Iran đưa tin Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắn rơi một máy bay do thám của Mỹ.
Iran phản đối cáo buộc đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu Lý do Hormuz nắm giữ huyết mạch dòng chảy dầu mỏ
iran tuyen bo ban roi may bay do tham my
Một chiếc máy bay do thám hiện đại RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Ảnh: Times of San Diego

Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran đưa tin Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã bắn rơi một máy bay do thám RQ-4 Global Hawk của Mỹ.

Theo nguồn tin trên, chiếc RQ-4 Global Hawk đã xâm phạm không phận Iran tại huyện Kouhmobarak thuộc tỉnh miền Nam Hormozgan và đã bị lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo bắn rơi.

Loại máy bay trinh sát này thông thường có thể hoạt động trên không liên tục 30 giờ và bay ở độ cao lên tới 18.000m, nhằm tiến hành các sứ mệnh trinh sát.

Đại tá Bill Urban, Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin này. Trong khi đó, hãng tin AP dẫn lời Phát ngôn viên Bộ chỉ huy Trung tâm (Centcom) của Mỹ cho biết "không có máy bay không người lái nào trong không phận Iran".

Video Mỹ trình làng máy bay do thám hiện đại RQ-4 Global Hawk (Nguồn: US Military)

Tuần trước, Lầu Năm Góc từng cáo buộc Iran thất bại trong việc bắn hạ một máy bay không người lái Reaper của Mỹ đang làm nhiệm vụ giám sát một trong hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman. Washington cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công này, song Tehran cương quyết bác bỏ.

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Iran đang ở giai đoạn nguy hiểm với việc căng thẳng liên tục leo thang. Sau các vụ tấn công hai tàu chở dầu hồi tuần trước, đang xuất hiện tin đồn quân đội Mỹ sẽ triển khai một vụ "tấn công chiến thuật" nhằm trả đũa Iran.

Ngày 17/6, Mỹ đã quyết định tăng cường 1.000 binh sĩ tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran sau các vụ tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman hồi tuần trước.

iran tuyen bo ban roi may bay do tham my
Lực lượng binh sĩ Mỹ tại Trung Đông. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố việc triển khai quân bổ sung này nhằm mục đích “phòng thủ” trước những mối đe dọa trên biển, trên không và trên bộ ở Trung Đông. Song ông Shanahan cũng cho rằng các động thái của Iran đang đe dọa lợi ích và các lực lượng Mỹ trong khu vực. Ông Shanahan khẳng định Washington không "tìm kiếm xung đột với Iran" nhưng Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục "thực hiện những điều chỉnh binh lực khi cần thiết".

Trong khi đó, ngày 16/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này "đang cân nhắc mọi lựa chọn" giữa lúc quan hệ với Iran gia tăng căng thẳng, trong đó có cả những lựa chọn quân sự.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình Face the Nation của kênh CBS, Ngoại trưởng Pompeo nói: "Mỹ đang cân nhắc mọi lựa chọn. Chúng tôi đã báo cáo Tổng thống Trump vài lần và chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tình hình cho ông ấy." Quan chức ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington có thể triển khai một loạt hành động nhằm khôi phục khả năng răn đe, trong đó bao gồm cả một phản ứng quân sự.

Ngày 19/6, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani (A-li Sam-kha-ni) khẳng định sẽ không xảy ra đối đầu quân sự giữa nước CH Hồi giáo và Mỹ.

Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) dẫn lời ông Shamkhani tuyên bố tình huống này sẽ không xảy ra vì không có lý do gì để bùng nổ chiến tranh giữa Iran và Mỹ. Quan chức Tehran cáo buộc một số quốc gia đang "hùa theo" giọng điệu các quan chức Mỹ khi muốn gây sức ép với quốc gia khác.

iran tuyen bo ban roi may bay do tham my
Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani phát biểu tại Tehran ngày 26/9/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ không ngừng leo thang sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa Tehran với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Trong động thái nhằm gia tăng sức ép tối đa với Tehran, từ tháng 5 vừa qua, Mỹ đã chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran. Căng thẳng đẩy hai quốc gia này vào nguy cơ đối đầu quân sự khi Mỹ đã điều động nhiều khí tài quân sự, trong đó có các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông là để đối phó với điều mà Washington gọi là "các mối đe dọa từ Iran".

Việc Mỹ gia tăng sức ép là buộc Iran trở lại bàn đàm phán để sửa đổi những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cho rằng chưa đủ chặt chẽ vì chưa bao gồm chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Về phần mình, Iran luôn cho rằng Mỹ đang kích động một "cuộc chiến tranh tâm lý", đồng thời khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ có hành động khiêu khích. Iran cũng đã điều chỉnh các biện pháp tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đồng thời tuyên bố làm giàu urani ở cấp độ cao hơn.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết việc rút khỏi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân là "một biện pháp tối thiểu" mà Iran có thể thực hiện sau một năm Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt lệnh trừng phạt Tehran.

Theo TTXVN
Phiên bản di động