Học sinh như “ngồi trên đống lửa” vì những thay đổi đột ngột của kỳ thi THPT

Thấp thỏm, lo âu, bối rối, hoang mang… đó là những trạng thái mà học sinh lớp 12 hiện nay đang gặp phải khi Bộ GD&ĐT công bố phương thức thi mới với mục tiêu giảm tải cho thí sinh.
Lúng túng trước sự thay đổi phương án thi THPT Hà Nội: Học sinh THPT dự kiến đi học lại từ 4/5, bậc mầm non đến THCS từ 11/5 Dự kiến giảm độ khó, độ phân hóa thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Thay đổi kỳ thi năm nay bắt đầu từ tên gọi, không còn thi THPT quốc gia nữa mà thi tốt nghiệp phổ thông. Theo đó mục tiêu cũng thay đổi, từ 2 thành 1 mục tiêu xét tốt nghiệp. Còn các trường đại học thì tự chủ tuyển sinh.

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, phương án thi năm nay nhằm giảm tải cho học sinh và cũng thực hiện Luật Giáo dục đại học năm 2019 và sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020.

Tuy nhiên, những thay đổi đột ngột này khiến học sinh đang theo học lớp 12 lại một phen xáo trộn tâm lý, “đứng ngồi không yên”, bởi thời gian không còn nhiều trong khi có thể các em phải đối mặt với nhiều kỳ thi mới vào được đại học.

hoc sinh nhu ngoi tren dong lua vi nhung thay doi dot ngot cua ky thi thpt

Bạn Trần Phương Thảo, học sinh lớp 12 trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi Bộ GD&ĐT công bố thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia, em lo lắng nhiều hơn. Em vừa làm một đề thi tốt nghiệp nhưng đồng thời có thể phải thi thêm nhiều kỳ thi khác tại những trường đăng ký theo nguyện vọng”.

Năm nay, Trần Thu Minh, học sinh lớp 12 trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dự định sẽ thi khối D01 vào trường Đại học Ngoại thương và hai trường khác. Vì thế, thời gian nghỉ dịch, nữ sinh này tập trung tối đa cho việc luyện đề các môn trong khối thi của mình. Tuy nhiên khi nhận được thông tin kỳ thì THPT có thể chỉ để xét tốt nghiệp, Minh cảm thấy vô cùng hoang mang.

“Thay đổi này khiến em khá lo lắng và bỡ ngỡ bởi trước đây chỉ một kỳ thi thôi. Giờ có thể phải thi thêm nhiều kỳ nữa theo số lượng nguyện vọng mà mình đăng ký.

Ngôi trường em thi luôn ở tốp đầu, do đó khả năng cao trường này sẽ tổ chức kỳ thi riêng. Như vậy rất có thể em phải trải qua ít nhất 3 kỳ thi nữa sau khi thi tốt nghiệp mới có thể vào được đại học. Điều đáng nói là các kỳ thi sau đó chắc chắn sẽ khác nhau, trong khi em chưa biết cấu trúc đề thi ra sao để ôn luyện. Em chắc phải xem xét lại nguyện vọng chứ không thể đăng ký theo mơ ước của mình được”, Thu Mình lo âu.

Còn Phan Nhật Anh đang học lớp 12 trường THPT Việt Đức (Hà Nội) lại bày tỏ: “Em thực sự lo lắng, bởi việc thay đổi đột ngột kỳ thi như thế ảnh hưởng đến toàn bộ việc định hướng và ôn thi trước đó. Thời gian không còn nhiều mà học sinh vẫn phải vừa lo thi tốt nghiệp vừa phân chia ôn luyện cho những trường mình đăng ký thì làm sao kịp”.

Các trường THPT hiện nay cũng như “ngồi trên đống lửa” bởi ngoài việc cho học sinh tiếp tục học tập thì hướng ôn thi nào cho các em cũng là băn khoăn của nhiều thầy cô khi mục đích của kỳ thi thay đổi.

Điều đáng nói là mới chỉ cách đây hơn một tuần, Bộ GD&ĐT vẫn đưa ra phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ diễn ra như dự kiến nếu học sinh có thể trở lại trường trước ngày 15/6. Trong trường hợp đi học sau 15/6, Bộ sẽ giao cho các địa phương tự xét tốt nghiệp. Việc thay đổi khiến nhiều phụ huynh, học sinh cảm giác như mình bị “đánh úp”, làm ảnh hưởng đến tâm lý, sự định hướng, thậm chí là cả cách học và ôn thi của học sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai Luật Giáo dục như Bộ đã nêu khi thay đổi kỳ thi cũng cần phải có lộ trình, bởi có Luật nhưng chưa có Nghị định, Thông tư và các quy định chi tiết về các trường thì sẽ kéo theo những xáo trộn trong năm học. Ngoài ra, nếu có lựa chọn tổ chức kỳ thi thì nên theo hướng vẫn đảm bảo yếu tố xét tốt nghiệp nhưng có sự phân luồng, phân loại học sinh để các trường, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề có thể sử dụng kết quả đó.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động